Ngành Tài chính:
Tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Ngành Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý tài chính - ngân sách và tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định tại Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành Tài chính do Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 12/10/2017. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội thảo.
Tham gia Hội thảo có đại diện Cục Tin học và Thống kê tài chính, đại diện các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; đặc biệt Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Hướng tới nền tài chính công khai, minh bạch
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0) được phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
|
Trước xu thế đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý tài chính - ngân sách và tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống CNTT ngành Tài chính.
Đến nay, CNTT đã được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: Quản lý điều hành ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý thu - chi NSNN; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN....; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.
Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm cải cách mạnh mẽ để phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đưa ra thông điệp với các doanh nghiệp (DN), người dân và bạn bè quốc tế về Việt Nam đang phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao; quan tâm, chú trọng vào giáo dục đầu tư, phát triển con người và bày tỏ mong muốn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của các nước phát triển trên thế giới vào các lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, đến nay đã có các văn bản, chính sách liên quan đến phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Đảng, Chính phủ ban hành như: Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 1/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử...
Mới đây nhất, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Chỉ thị này nêu rõ, từ năm 2017 - 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng CNTT, khuyến khích DN đổi mới công nghệ để tận dụng tối đa lợi thế từ cuộc cách mạng này.
Để triển khai thành công ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính theo định hướng của Đảng và Chính phủ, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị các diễn giả, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực CNTT đến từ các DN cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cách tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó sẽ có cái nhìn tổng quát cũng như những mục tiêu cụ thể Bộ Tài chính cần triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Cho rằng vai trò của CNTT là rất quan trọng Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, ứng dụng CNTT hiện đại hóa ngành Tài chính phải hướng tới nền tài chính công khai, minh bạch và bền vững; quản lý, phát triển và cung cấp các sản phẩm tài chính công hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.
Chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Tại Hội thảo, trình bày tham luận “Định hướng ứng dụng CNTT ngành Tài chính tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, các đơn vị trong ngành Tài chính đã triển khai hệ thống ảo hóa cho máy chủ: Cơ quan Bộ Tài chính (50%); Tổng cục Thuế (90%); Kho bạc Nhà nước (91%) và Tổng cục Hải quan (83%).
Hội thảo thu hút sự thạm gia của đông đảo các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực CNTT. |
Cùng với đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước đã triển khai một số giải pháp bảo mật cho ảo hóa như: Bảo mật cho thiết bị di động; chữ ký số (các hệ thống thông tin lớn, ứng dụng nghiệp vụ); các quy định, chính sách bảo mật…
Đưa ra định hướng lớn về ứng dụng CNTT đến năm 2030, ông Đặng Đức Mai cho rằng, thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục xây dựng thành công tài chính điện tử, trong đó cần hoàn thành các mục tiêu về Chính phủ điện tử theo lộ trình; Tập trung số hóa các hồ sơ, thông tin lưu trữ tạo thành các kho dữ liệu chuyên ngành, đưa vào khai thác dữ liệu hiệu quả; Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính giai đoạn 1 (từ 2017 - 2020); Nghiên cứu triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn và phân tích đa chiều trên cơ sở dữ liệu về tài chính…
Bên cạnh đó, đại diện các DN đến từ Tập đoàn công nghệ CMC, Công ty Hệ thống thông tin FPT, Công ty cổ phần DTT cũng như các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT đã trình bày các bài tham luận như: “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4- Xu hướng công nghệ và các giải pháp cho ngành Tài chính”; “Cách mạng công nghiệp 4.0 và quản lý rủi ro trong công tác thu NSNN”; “Hạ tầng CNTT của ngành Tài chính – Ngân hàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0”…
Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các chuyên gia, diễn giả tại Hội thảo, Bộ Tài chinh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về công nghệ nhằm đưa ngành Tài chính Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội, nhanh chóng tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy sự phát triển, tạo bước đột phá về hạ tầng công nghệ, ứng dụng CNTT của ngành Tài chính.
4 mục tiêu cụ thể về định hướng CNTT ngành Tài chính
- Xây dựng thành công tài chính điện tử năm 2020, từng bước chuyển đổi sang tài chính mở năm 2025, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sang tài chính số năm 2030.
- Nghiệp vụ tài chính đạt tiêu chuẩn quốc tế, mức hiện đại hóa lĩnh vực tài chính Chính phủ thuộc nhóm đầu các nước khối ASEAN.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính là kho dữ liệu mở, thông tin tri thức; năm 2025, hầu hết các lĩnh vực tài chính có cơ sở dữ liệu mở với công cụ phân tích, khai thác dữ liệu thông minh phục vụ toàn diện nhu cầu thông tin của Chính phủ, người dân, DN.
- Thiết lập nền tảng công nghệ mới hỗ trợ tối đa việc phát triển các sản phẩm tài chính định hướng dịch vụ, tạo thành hệ sinh thái số sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, sáng tạo.