Ngành Tài chính tích cực tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đức Mạnh

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảm chiếm đoạt tài sản, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, theo dõi, phát hiện các hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên đưa ra các cảnh báo người dân cần thận trọng khi thực hiện giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch không rõ nguồn gốc .
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên đưa ra các cảnh báo người dân cần thận trọng khi thực hiện giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch không rõ nguồn gốc .

Bộ Tài chính cho biết, thời điểm đầu khi thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ra những thiệt hại lớn, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh – trật tự và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống nhân dân. Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nổi lên là hoạt động sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến, các vụ án thao túng thị trường chứng khoán...

Trước tính hình đó, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính luôn tích cực tuyên truyền, theo dõi, phát hiện các hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ngành Tài chính. Theo đó, các đơn vị báo chí trong Ngành đã đăng tải nhiều bài viết  tuyên truyền về phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Bộ Công an cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới...

Bên cạnh đó, các đơn vị báo chí ngành Tài chính cũng tích cực đẩy mạnh, triển khai các tin, bài về hoạt động phòng, chống buôn lậu, chống thất thu thuế trên nhiều lĩnh vực của các đơn vị trong ngành Tài chính, Thuế, Hải quan. Đồng thời, thông tin về các vụ án thành lập doanh nghiệp ma mua bán hóa đơn, làm giả giấy tờ để buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo người dân, doanh nghiệp, người nộp thuế, giả danh cán bộ thuế để bán sách hướng dẫn, trục lợi; giả danh cán bộ kho bạc, cán bộ hải quan để lừa đảo người nộp thuế chiếm đoạt tài sản...

Nhiều bài viết nghiên cứu, phân tích, phản ánh liên quan đến việc hoàn thiện khung khổ pháp lý tiền ảo, tài sản ảo để ngăn ngừa biến tướng, lừa đảo; truy tố Tổng Giám đốc Công ty Forex Toàn Cầu về tội lừa đảo; khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tải sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Cảnh báo việc giả mạo ứng dụng ngành Thuế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... cũng được đăng tải kịp thời.

Theo Bộ Tài chính, đối với lĩnh vực chứng khoán, trước tình hình thị trường chứng khoán có các hiện tượng gian lận, lừa đảo, lập doanh nghiệp ma để mua bán, lũng đoạn thao túng thị trường, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh bộc lộ rủi ro, vi phạm, điển hình như vụ án thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính đã chủ động đưa ra nhiều cảnh báo đến các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư.

Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Báo Lao động, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ và nhiều kênh thông tin khác cũng đăng tải nhiều tin, bài viết của các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia cảnh báo rủi ro và nguy cơ mất tiền khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trái với quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đã thành lập Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ https://isa.mof.gov.vn, mở chuyên mục hỏi đáp chính sách bảo hiểm, dịch vụ công, công khai minh bạch các thông tin về chỉ đạo điều hành hoạt động quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm.

Cùng với đó, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phản ánh, tố cáo góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác pháp luật liên quan phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong thời gian tới, dự báo bối cảnh thị trường vốn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với sự tham gia ngày càng nhiều của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng, nhiều hình thức giao dịch điện tử được triển khai... có thể khiến tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Vì vậy, ngành Tài chính sẽ bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21/CT-TTg thông qua việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảm chiếm đoạt tài sản.