Ngành Tài chính Việt Nam: 70 năm một chặng đường lịch sử

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Tiếp nối thành công của cuộc hội thảo tại Tuyên Quang, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam, sáng ngày 19/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo tại khu vực phía Nam với chủ đề “Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2015).

Tham dự cuộc hội thảo có các bác nguyên là lãnh đạo Bộ Tài chính; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ: Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính; Văn phòng Bộ Tài chính tại Tp. Hồ Chí Minh; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ… cùng các bác nguyên là cán bộ trong ngành Tài chính qua các thời kỳ.

Ngành Tài chính Việt Nam: 70 năm một chặng đường lịch sử - Ảnh 1
Viện trưởng Viện CL&CS Tài chính Vũ Nhữ Thăng phát biểu khai mạc. Nguồn: mof.gov.vn

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết: Trải qua chặng đường 70 năm đầy gian nan vất vả nhưng rất tự hào, ngành Tài chính đã khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Hiện nay, các tư liệu lịch sử của ngành vẫn đang nằm rải rác ở nhiều nơi.

Vì vậy, việc sưu tầm, cập nhật, tổng hợp, hiệu đính và công bố một cách hệ thống là hết sức cần thiết và có ý nghĩa từ đó có thể xây dựng phim tư liệu lịch sử tái hiện lại các hoạt động của ngành Tài chính. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam.

Ngành Tài chính Việt Nam: 70 năm một chặng đường lịch sử - Ảnh 2
Toàn cảnh cuộc Hội Thảo. Nguồn: mof.gov.vn

Trong lịch sử 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Tài chính Cách mạng Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều những công lao, cống hiến và đóng góp của các bậc lão thành cách mạng, của lớp lớp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính, trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng ngành Tài chính Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và phát triển, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo các nhu cầu tài chính cho Nhà nước và nhân dân giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.

Tại cuộc hội thảo, những kỷ niệm về Giấy bạc Cụ Hồ đã được bác Nguyễn Văn Hùng -  nguyên là Cán bộ Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ chia sẻ: Vào cuối năm 1947, Trung ương đã cho thành lập Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười do đồng chí Ngô Tấn Nhơn làm Trưởng ban. Để che mắt địch và Việt gian, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được mang biệt danh là “Ban Trồng tỉa số 10”.

Ngành Tài chính Việt Nam: 70 năm một chặng đường lịch sử - Ảnh 3
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Nguồn: mof.gov.vn

Quá trình in giấy bạc ở Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thời kỳ này vô cùng khó khăn gian khổ, địch mở rộng chiến tranh, đánh phá nhiều nơi, nên để đảm bảo an toàn việc in giấy bạc, Cơ quan Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã phải nhiều lần di chuyển địa điểm, vận chuyển máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu… tới vùng Sác – U Minh, Cà Mau.

Dù khó khăn gian khổ, nhưng tất cả cán bộ, công nhân trong Cơ quan Ấn loát vẫn một lòng sắc son với cách mạng, vượt lên tất cả, với quyết tâm in ra những tờ giấy bạc Việt Nam (giấy bạc Cụ Hồ) để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã sản xuất và phát hành đồng tiền Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ ở khu vực Nam Bộ, đây là một công cụ, một phương tiện, một vũ khí sắc bén có hiệu quả để đấu tranh trên mặt trận tài chính, tiền tệ với thực dân Pháp xâm lược, đã khẳng định chủ quyền quản lý tài chính, tiền tệ sau khi giành chính quyền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo ra nguồn lực Tài chính phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến của dân tộc.

Xúc động và tự hào khi được các bác, các cô - những thế hệ cán bộ đi trước của ngành Tài chính chia sẻ những câu chuyện về công tác đào tạo ở miền Nam trong hoàn cảnh khốc liệt, thiếu thốn dù phải đối mặt với các trận càn của địch đã có nhiều cán bộ trong ngành Tài chính đã hi sinh, nhưng vẫn quyết tâm mở lớp, mở trường để tiếp tục góp phần tăng cường nguồn lực cho hệ thống tài chính địa phương phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cuộc gặp mặt của những cán bộ tài chính năm xưa, những câu chuyện, những kỷ niệm, những ký ức về một thời kỳ gian khó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc như bất chợt ùa về. Từ những kỷ niệm vui buồn, từ các chính sách tài chính, thu thuế nông, lâm nghiệp ở Nam Bộ; những kỷ niệm về thời kỳ cải cách thuế, hải quan, nhiệm vụ quốc tế được cùng nhau ôn lại. 

Qua cách kể chuyện, tâm sự của các bác, có thể cảm nhận rõ được ý chí, tâm huyết, sự kiên trung và tinh thần đạo đức cách mạng, không màng tư lợi cá nhân của các bác - những người đặt nền móng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành, đây là những dấu son đáng tự hào trong lịch sử truyền thống ngành Tài chính Cách mạng Việt Nam.