Ngành Thuế An Giang: Triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ
(Tài chính) Một trong những giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được Cục Thuế tỉnh An Giang xác định là đẩy mạnh cải cách hành chính, tuyên truyền và thực hiện tích cực các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp này đã thực sự tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp trong bối cảnh chung nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay…
Thời gian qua, Cục Thuế An Giang với nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung và công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về thuế nói riêng đã được toàn ngành thuế triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt trên các lĩnh vực quản lý thuế. Điển hình là công tác đơn giản hóa TTHC, tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật thuế, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và thực hiện “một cửa” liên thông phối hợp một số ngành, cung cấp cho người nộp thuế (NNT) sử dụng phần mềm hỗ trợ khai thuế, áp dụng khai thuế qua mạng, xây dựng kênh cung cấp thông tin và trực tuyến với NNT qua cổng thông tin điện tử, đơn giản hóa phương thức quản lý hộ kinh doanh cá thể, áp dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế… Nhờ đó, đã giúp NNT giảm đáng kể chi phí thời gian, công sức, tiền của trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế, đồng thời giúp cơ quan thuế đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo các chương trình, chiến lược cải cách, hiện đại hóa của ngành, tạo được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn không tránh khỏi tồn tại một vài bộ phận của cơ quan thuế, cán bộ thuế còn gây khó khăn, phiền hà cho NNT, chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ và thời gian giải quyết TTHC, phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ chưa đảm bảo, hiện tượng sách nhiễu, vòi vĩnh, thái độ thờ ơ, duy trì tâm lý của cơ chế “xin - cho” đôi lúc vẫn còn xãy ra trong quá trình giải quyết TTHC hoặc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra... điều này có ảnh hưởng đến thời gian của DN và tác động xấu đến mối quan hệ giữa cơ quan thuế và NNT.
Qua kết quả khảo sát ý kiến năm 2012 đối với các DN đại diện cho cộng đồng DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang để đánh giá năng lực cạnh tranh (CPI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cũng như kết quả điều tra xã hội học được một số tổ chức chuyên ngành phối hợp thực hiện để nắm bắt về tình hình và kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã công bố nhiều kết quả tích cực, rất đáng phấn khởi, minh chứng được hiệu quả công tác CCHC mà nhiều ngành, nhiều đơn vị từ cấp tỉnh đến các huyện thị thành phố đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua bằng nhiều tâm huyết và công sức dưới sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của các cấp lãnh đạo thuộc hệ thống chính quyền địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, làm “lành mạnh hóa” môi trường đầu tư.
Theo kết quả xếp hạng PCI, năm 2012 tỉnh ta có sự vượt bậc đáng kể, đạt 63,42 điểm, tăng 1,2 điểm so năm trước và đứng hạng thứ hai so 63 tỉnh, thành phố cả nước. Với kết quả trên, tuy chúng ta không bất ngờ, nhưng thật sự cảm thấy phấn khởi bởi đây là tiếng nói của DN, bao hàm biết bao trí tuệ, công sức, thời gian, tiền của... mà chính quyền đã đầu tư để cải cách nền hành chính nhà nước, xây dựng nên bộ mặt mới của tỉnh An Giang được kết quả như hôm nay.
Tuy nhiên, dù kết quả chỉ số CPI của tỉnh đã đạt thứ hạng cao thể hiện với sự đổi mới khá toàn diện mức độ quan tâm của chính quyền với DN, nhà đầu tư, nhưng có lẽ ngành thuế cũng như các ngành, các cấp chưa thể an tâm khi đại bộ phận DN tỉnh ta có quy mô nhỏ cả về vốn và lao động, công nghệ còn lạc hậu, trình độ quản lý và khả năng cạnh tranh còn chưa theo kịp trình độ các tỉnh, thành phố lớn, bên cạnh yếu tố bất lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng,... những yếu tố này sẽ còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, khả năng mời gọi đầu tư nếu chúng ta không tiếp tục xúc tiến mạnh hơn nữa các hoạt động tạo nên hiệu quả thực chất.
Để giữ vững thứ hạng này trong những năm tiếp theo, đòi hỏi chính quyền nói chung, từng cơ quan nhà nước thuộc các ngành, các cấp nói riêng cần có những giải pháp tiếp tục đổi mới một cách hiệu quả, trong đó ngành thuế không đứng ngoài.
Công tác thuế là một ngành quản lý “nhạy cảm”. Có nhiều khả năng tạo nên thiện cảm hoặc gây ra phàn nàn, khiếu nại đối với NNT. Do đó, nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình CCHC tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Chương trình CCHC nhà nước tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành, Cục Thuế đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý thuế theo mục tiêu hỗ trợ NNT được thuận lợi cao nhất khi thực hiện pháp luật thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong đó: Tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC của từng đơn vị trong ngành; Quán triệt đến từng cán bộ thuế trong đơn vị hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của công tác CCHC và nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh cho DN trong giai đoạn hiện nay; Tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng cán bộ thuế làm việc ở các bộ phận có chức năng tiếp xúc với NNT đi đôi với giáo dục tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp ứng xử, chuyên môn nghiệp vụ; Phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục của NNT hoặc thực hiện công tác kiểm tra... sớm hơn hạn định; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức quản lý theo cơ chế phân tích rủi ro về thuế nhằm hạn chế số cuộc và thời gian thực hiện thanh tra, kiểm tra tại cơ sở kinh doanh; Công khai đầy đủ TTHC về thuế để NNT thực hiện dễ dàng đồng thời giám sát quá trình giải quyết của cơ quan thuế; Nâng cao hiệu quả cơ chế “một cửa” liên thông với các ngành và Ủy ban nhân dân huyện để giải quyết các thủ tục liên quan về thuế; Thường xuyên đối thoại với NNT để nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; Tăng cường giám sát, kiểm tra công vụ để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ làm việc giữa cán bộ thuế với NNT.
DN là chủ thể kinh tế quan trọng, là lực lượng tạo ra nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Trong tình hình hiện nay, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, DN trong tỉnh luôn đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt để phát triển, nhưng nhờ môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, chính quyền luôn “sát cánh” cùng DN để vượt qua mọi trở ngại, chúng ta tin tưởng rằng sẽ có nhiều thuận lợi mới cho kinh tế của tỉnh nhà tiếp tục phát triển bởi sự đồng tâm cộng lực của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh An Giang.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm giúp DNvượt qua khó khăn vững vàng phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, thời gian qua ngành Thuế An Giang đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khá tích cực theo tinh thần chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính; đồng thời vận dụng những sáng kiến từ thực tiễn trên địa bàn tỉnh. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang được hưởng kịp thời và đầy đủ quyền lợi về thuế từ quyết sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/02/2013 hướng dẫn thực hiện, Cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành triển khai cụ thể cho các DN(DN), tổ chức kinh tế trên địa bàn thông suốt chính sách này để thực hiện với 4 nội dung cơ bản gồm:
Về thuế Thu nhập DN(TNDN): Gia hạn nộp thuế TNDN 6 tháng đối với số thuế phát sinh phải nộp quý I và 3 tháng đối với số thuế phát sinh phải nộp quý II và quý III/2013.
Đối tượng được gia hạn gồm 3 nhóm: 1. DN có quy mô vừa và nhỏ, bao gồm cả chi nhánh, đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán độc lập, hợp tác xã (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian trong năm và có doanh thu cả năm không quá 20 tỷ đồng) không bao gồm DN hoạt động trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò chơi có thưởng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; 2. DN sử dụng nhiều lao động (trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính trên thu nhập của hoạt động sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử và từ hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; 3. DN đầu tư, kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở được gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính trên thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở, không phân biệt quy mô DN và số lao động sử dụng.
Về thuế Giá trị gia tăng: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT đối với số thuế phát sinh phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 (không bao gồm thuế GTGT ở khâu nhập khẩu) đối với các DN đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Đối tượng được gia hạn gồm: DN có quy mô vừa và nhỏ; DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; DNđầu tư, kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và DNsản xuất các mặt hàng: sắt, thép, xi măng, gạch, ngói.
Thông tư quy định rõ, các DN thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế GTGT tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 theo quy định nhưng chưa phải nộp ngay số thuế GTGT phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế GTGT đã kê khai.
Về tiền thuê đất: Giảm 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2013, 2014 đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê hàng năm từ trước 31/12/2010 và sử dụng đất đúng mục đích; các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được giảm tiền thuê đất năm 2012 nhưng chưa được giải quyết do chưa đáp ứng quy định về thủ tục, hồ sơ....
Trường hợp sau khi được giảm mà số tiền thuê đất phải nộp năm 2013, 2014 vẫn lớn hơn 2 lần số tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì được tiếp tục giảm đến mức số tiền thuê đất phải nộp năm 2013, 2014 bằng 2 lần số phải nộp của năm 2010.
Theo đó, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được giảm tiền thuê đất phải có văn bản đề nghị giảm tiền thuê đất gửi tới cơ quan quản lý thuế trực tiếp để làm thủ tục xét giảm. Căn cứ đề nghị của người được Nhà nước cho thuê đất, cơ quan quản lý thuế trực tiếp kiểm tra hồ sơ, lập danh sách, lấy ý kiến cơ quan tài nguyên môi trường cùng cấp và trình UBND cùng cấp phê duyệt. Trên cơ sở đó ban hành quyết định giảm tiền thuê đất theo thẩm quyền. Trong thời gian đã nộp hồ sơ tới cơ quan thuế mà chưa có ý kiến phê duyệt của cơ quan thẩm quyền, các đối tượng được giảm tiền thuê đất sẽ được tạm nộp tiền thuê đất theo mức bằng số tiền thuê đất phải nộp năm 2010.
Về tiền sử dụng đất: Các dự án sử dụng đất vào mục đích xây nhà để bán, để cho thuê, kinh doanh kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng theo hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư đã được bàn giao đất để thực hiện nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính như: kết quả tài chính tính đến 31/12/2012 mà lỗ hoặc chi phí của DN lớn hơn doanh thu do giá trị hàng tồn kho quá lớn hoặc DN đã thực tế chi phí đầu tư lớn nhưng chưa có doanh thu do chưa bán được hàng thì được nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất ghi trên thông báo của cơ quan thuế và không bị tính phạt chậm nộp trong thời gian này.
Để thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế TNDN, thuế GTGT, tiền sử dụng đất; giảm tiền thuê đất; DN phải gửi cơ quan thuế văn bản đề nghị theo mẫu biểu liên quan được ban hành kèm theo Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/02/2013. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25/3/2013.
Riêng về chính sách hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường cho các DN đã nộp từ ngày 01/01/2012 đến hết ngày 14/11/2012 đối với túi nylon làm bao bì đóng gói sẵn sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14/9/2012 của Chính phủ và chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần 2 trở đi có mức thu là 2% phải chờ Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể.