Ngành Thuế bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số công tác quản lý Thuế
Ngành thuế bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số công tác quản lý thuế - Đó là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị công bố hệ thống hóa đơn điện tử. Trong nội dung bài phát biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, việc ngành Thuế triển khai hóa đơn điện tử thành công và đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội sẽ là một bước ngoặt, bước tiến vô cùng quan trọng, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của cơ quan Thuế, của ngành Tài chính nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung.
Phóng viên: Một trong những dấu ấn mạnh mẽ nhất năm 2021 của ngành Thuế là đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống. Xin đồng chí cho biết một số đánh giá về bước ngoặt trên?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Trong những năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mà đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng, Chính phủ đã luôn hết sức quan tâm, coi trọng việc phát triển, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chúng ta đang bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, việc đẩy mạnh và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện.
Đối với việc triển khai hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong chuyển đổi phương thức quản lý thuế theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Đây cũng là tiền đề để Chính phủ Việt Nam trong đó có ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đạt được những mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã luôn chú trọng, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số, từng bước hình thành nền Tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.
Nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các giao dịch điện tử, giao dịch số trên môi trường mạng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành một loạt các chính sách về lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, hóa đơn điện tử…
Đặc biệt, đối với việc triển khai hóa đơn điện tử, trong nội dung Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã dành hẳn một chương quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử với mốc thời gian được đưa ra cụ thể, đó là từ ngày 01/7/2022, quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử được quy định tại Luật này trước ngày 01/7/2022.
Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC và Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã giúp hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế số
Phóng viên: Có thể thấy năm 2021, ngành Thuế đã rất nỗ lực hoàn thành mục tiêu này, thưa đồng chí Tổng cục trưởng?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Việc xây dựng các nền tảng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số đã được Bộ Tài chính tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển bốn nền tảng đóng vai trò “trụ cột”, gồm: nền tảng cơ sở dữ liệu tài chính, trong đó dữ liệu hóa đơn là hết sức quan trọng; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử.
Do đó, bên cạnh hệ thống khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2021 bởi những lợi ích to lớn của nó mang lại cho doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội như tiết giảm chi phí in ấn, bảo quản, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trên nền tảng số, tạo cơ sở cho việc giám sát xã hội, chống gian lận thương mại.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ, nội dung công việc nhằm sớm đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống. Toàn ngành Thuế đã tập trung tham mưu giúp Bộ Tài chính xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống chính sách hoàn chỉnh (Luật Quản lý thuế, Nghị định và Thông tư hướng dẫn); Chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (Đầu tư máy móc thiết bị công nghệ thông tin; nâng cấp, mở rộng đường truyền; Xây dựng phần mềm ứng dụng; Thành lập Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử và Trung tâm Điều hành hóa đơn điện tử tại Tổng cục Thuế và tại 6 tỉnh, thành phố...).
Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố (chiếm tới 60% số lượng doanh nghiệp, khoảng 70% trên tổng số lượng hóa đơn trên cả nước) là vô cùng quan trọng và có tính quyết định tới sự thành công của việc áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc.
Việc triển khai hóa đơn điện tử không những góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng mà còn thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Đây là một bước ngoặt, bước tiến lớn của ngành Thuế, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Phóng viên: Sau một thời gian triển khai, chúng ta đã nhận thấy kết quả đạt được có xứng đáng với mong đợi hay không, thưa đồng chí?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, ngay sau Lễ kích hoạt bấm nút chính thức triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử (ngày 21/11/2021), Tổng cục Thuế đã thường xuyên tổ chức họp giao ban, đánh giá kết quả thực hiện triển khai hóa đơn điện tử, trao đổi, thảo luận và xử lý các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai; Tổ chức các cuộc họp trực tuyến tại Trung tâm Điều hành triển khai hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế với 6 Cục Thuế (triển khai giai đoạn 1) và 20 tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử cùng 71 tổ chức cung cấp giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá triển khai hóa đơn điện tử.
Với tinh thần và quyết tâm cao, sau hơn một tháng triển khai hóa đơn điện tử (tính từ ngày 21/11/2021 đến ngày 31/12/2021), cơ quan thuế đã hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đủ điều kiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố, kết quả đã có trên 90% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện áp dụng đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Tổng cục Thuế cũng đã triển khai, mở rộng các kênh tiếp nhận và xử lý yêu cầu hỗ trợ của người nộp thuế như: Hotline, Email, Web, 479 kênh hỗ trợ người nộp thuế, Chatbot, Zalo,… ; xây dựng hệ thống hỏi đáp tự động về hóa đơn điện tử dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình triển khai, áp dụng.
Để chuẩn bị triển khai cho giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai mở rộng kết nối với các tổ chức cung cấp dịch vụ nhận truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử đồng thời rà soát, hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ hóa đơn điện tử phục vụ triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Trong đó, trọng tâm là rà soát các ý kiến, nội dung phát sinh trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 để nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
Đồng thời, phối hợp 125 doanh nghiệp, tập đoàn lớn (xăng dầu, bảo hiểm,...) để thực hiện kiểm tra, kết nối giữa hệ thống giải pháp hóa đơn của doanh nghiệp và hệ thống quản lý hóa đơn điện tử của cơ quan Thuế.
Song song với đó, cơ quan thuế các cấp cũng mở rộng việc tập huấn, tuyên truyền triển khai, sử dụng hóa đơn điện tử đến tất cả người nộp thuế trên toàn quốc. Đẩy mạnh việc phối hợp giữa cơ quan Thuế và các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử; xây dựng, triển khai mở rộng hạ tầng kỹ thuật (máy chủ, đường truyền...) để triển khai hệ thống quản lý hóa đơn điện tử cho các Cục Thuế còn lại, bảo đảm hoàn thành mục tiêu cả nước áp dụng hóa đơn điện tử trước thời điểm ngày 1/7/2022.
Xin cảm ơn đồng chí Tổng cục trưởng !