Tăng tốc chuyển đổi số, hiện đại hóa toàn diện ngành Thuế Việt Nam
Năm 2021, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, định hướng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong toàn hệ thống; đẩy mạnh số hóa công tác quản lý thuế với nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước của ngành Tài chính.
Chuyển biến mạnh mẽ với nhiều điểm nhấn quan trọng
Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội; sức chống chịu, cũng như nguồn lực của doanh nghiệp (DN) và người dân giảm sút mạnh, tạo sức ép lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Trong bối cảnh đó, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, định hướng của Bộ Tài chính, toàn ngành Thuế tập trung, nỗ lực thi đua phấn đấu hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Cùng với tập trung hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN, năm 2021, Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu Bộ Tài chính báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp, kịp thời hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh như:
Nghị định số 52/2021/ NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 tiếp tục thực hiện giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; Thông tư số 112/2020/TT-BTC và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngà y 24/6/2021;
Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022…
Đặc biệt, với phương châm đơn giản, thuận tiện, kịp thời, Tổng cục Thuế khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN và người dân sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Song song với đó, công tác cải cách thể chế, xây dựng chính sách pháp luật thuế cũng được Tổng cục Thuế triển khai đồng bộ. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch và góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Năm 2021, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 dần được hoàn thiện, với việc ra đời của các nghị định và thông tư sau: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 31/2021/TT-BTC, Thông tư số 40/2021/TT-BTC, Thông tư số 45/2021/TT-BTC, Thông tư số 85/2021/TT-BTC, Thông tư số 78/2021/TT-BTC, Thông tư số 80/2021/TT-BTC... Đây là những văn bản hướng dẫn cụ thể hóa, chi tiết các nội dung liên quan đến hóa đơn điện tử (HĐĐT) và quy trình nghiệp vụ quản lý thuế.
Ngoài ra, trong năm 2021, toàn ngành Thuế đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, HĐĐT. Tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) thông suốt 24/7 để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ NSNN, từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế điện tử, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho NNT thực hiện nghĩa vụ với thu NSNN.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với nỗ lực chuyên nghiệp hóa các hoạt động tuyên truyền hỗ trợ, đối thoại trực tuyến trên hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử; qua 479 kênh thông tin của ngành Thuế.
Đến nay, Cơ quan thuế cũng đã đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT cho NNT, đảm bảo hoàn thuế kịp thời, đúng quy định; Hoàn thành việc tích hợp 150 TTHC thuế và tiếp tục tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đối với công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, trốn thuế và thu hồi nợ đọng thuế, năm 2021, Tổng cục Thuế cũng triển khai quyết liệt các giải pháp, đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời các khoản thu phát sinh vào NSNN.
Đẩy mạnh quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, chứng khoán, bất động sản... nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo nguồn tăng thu cho NSNN.
Tăng tốc chuyển đổi va số hoa cong tac quản ly thuế
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bám sát Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, cũng như chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định mục tiêu chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, vì vậy, từ năm 2009 đến nay, ngành Thuế đã có một quá trình chuyển đổi liên tục, với những bước đi chắc chắn theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Đặc biệt, giai đoạn từ 2019-2017, ngành Thuế tập trung chuyển đổi, từ triển khai khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đến mở rộng triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử và sau đó là triển khai hệ thống 479 kênh hỗ trợ trực tuyến cho NNT trên phạm vi toàn quốc. Đây là bước cải cách quan trọng giúp ngành Thuế giảm tối đa số giờ thực hiện thủ tục của NNT và tăng chỉ số nộp thuế của Việt Nam thêm 64 bậc giai đoạn 2015-2019, tạo sự bứt phá về thứ hạng, từ vị trí 173 lên 109 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Việc điện tử hóa, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế cũng là điều kiện quan trọng để ngành Thuế thực hiện cải cách, tinh giản bộ máy, giảm từ 711 Chi cục Thuế (năm 2019) xuống còn 413 Chi cục Thuế (năm 2021), theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
Đối với triển khai HĐĐT, Tổng cục Thuế xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong chuyển đổi phương thức quản lý thuế theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả và là tiền đề để Chính phủ Việt Nam, trong đó có ngành Tài chính nói chung đạt được những mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã dành riêng một chương để quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử, với mốc thời gian đặt ra cụ thể là: Từ ngày 01/7/2022, quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử được quy định tại Luật này trước ngày 01/7/2022.
Triển khai quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, ngày 21/11/2021 tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống HĐĐT. Theo đó, để đảm bảo tiến độ từ ngày 01/7/2022 HĐĐT sẽ được triển khai trong toàn quốc, Ban Cán sự Bộ Tài chính đã ban hành nghị quyết về lộ trình áp dụng HĐĐT theo 2 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1: Áp dụng với 6 tỉnh, thành phố từ tháng 11/2011 gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. 6 địa phương này có số lượng NNT chiếm 60% so với toàn quốc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm chiếm khoảng 70% so với toàn quốc.
Giai đoạn 2: Triển khai với 57 địa phương còn lại từ tháng 4/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến hết 31/12/2021, 6 địa phương triển khai giai đoạn 1 phải hoàn thành tối thiểu 70% số lượng DN, tổ chức kinh tế thuộc đối tượng áp dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Với quyết tâm cao trong triển khai HĐĐT, tính đến 09h00’ ngày 21/12/2021, sau 1 tháng triển khai áp dụng HDĐT với 6 tỉnh, thành phố, số lượng NNT đăng ký sử dụng HĐĐT là 263.182 DN, chiếm 71% tổng số DN, đáp ứng sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Như vậy, có thể thấy, từ sự chuyển đổi mạnh mẽ của cả hệ thống thuế đến việc tạo nền tảng cho cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế theo hướng 4.0 là kết quả bước đầu cho cả quá trình triển khai HĐĐT.
Trong đó, việc triển khai HĐĐT là bước chuyển đổi số quan trọng của ngành Thuế. Đây là bước đệm quan trọng để Tổng cục Thuế nói riêng, ngành Tài chính nói chung tăng tốc, chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Phát triển ngành Thuế Việt Nam hiện đại, minh bạch, hiệu quả
Năm 2022, bên cạnh những giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, cơ cấu tinh gọn bộ máy và triển khai nhiệm vụ thu NSNN theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, định hướng của Bộ Tài chính, ngành Thuế tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Đối với công tác hiện đại hóa và chuyển đổi số trong quản lý thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế và coi đây là nhiệm vụ mang tính đột phá của ngành Thuế.
Đặc biệt, quán triệt Nghị quyết số 01/2021/NQ-CP của Chính phủ, bám sát định hướng, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố hoạt động của hệ thống các Trung tâm điều hành hệ thống HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế; đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như: Đầu tư máy móc thiết bị, nâng cấp đường truyền; phần mềm ứng dụng để chuẩn bị tiếp tục kích hoạt hệ thống HĐĐT tại 57 Cục Thuế tỉnh, thành phố vào ngày 01/7/2022.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về HĐĐT đến toàn bộ cộng đồng người dân, DN, giúp NNT hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT; Mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, DN, hộ, cá nhân kinh doanh về HĐĐT.
Thứ ba, tăng cường triển khai HĐĐT nhưng phải bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu phục vụ triển khai mở rộng hệ thống trên cả nước.
Thứ tư, tăng cường phối hợp, đồng hành với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện chuyển đổi số tại địa phương.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Thuế, giúp đổi mới quản lý thuế, quản lý hóa đơn theo hướng hiện đại, minh bạch.
Thứ sáu, đẩy mạnh triển khai HĐĐT đối với các tổ chức, DN, hộ, cá nhân kinh doanh góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, DN.
Trên nền tảng đạt được, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số toàn ngành Tài chính, tiến tới Chính phủ số.
* Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.