Ngành Thuế: Hỗ trợ tối đa để người dân, doanh nghiệp quyết toán thuế năm 2018
Để việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2018 được thực hiện theo đúng quy định, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tối đa để tạo thuận lợi cho Người nộp thuế (NNT). Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) về những nội dung trên.
PV. Được biết sắp đến thời hạn quyết toán thuế, với vai trò là một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, ông có lưu ý gì gửi đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) ?
Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì ngày 30/3 hằng năm là thời hạn chót mà NNT phải gửi Tờ khai quyết toán thuế đến cơ quan Thuế trực tiếp quản lý đối với các loại thuế. Các văn bản liên quan các DN cần phải đặc biệt lưu ý, gồm có:
Thứ nhất, Tờ khai thuế TNDN, thuế tài nguyên năm 2018 - với tư cách DN là chủ thể kinh doanh, là người khai thác tài nguyên.
Thứ hai, Tờ khai quyết toán TNCN, thuế Nhà thầu nước ngoài - với tư cách DN là người trả thu nhập cho cá nhân, trả thu nhập cho nước ngoài, DN thực hiện nghĩa vụ phải khấu trừ thuế tại nguồn trước khi trả thu nhập cho cá nhân, hoặc đối tác nước ngoài được thụ hưởng.
Thứ ba, đối với các loại thuế khác, DN đang nộp theo tờ khai từng lần, từng tháng như thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, tuy pháp luật không quy định phải quyết toán nhưng DN phải rà soát lại phát sinh cả năm tại DN để kịp thời điều chỉnh sổ sách kế toán, bởi thực tế không ít trường hợp DN phải điều chỉnh chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đây chính là việc bảo đảm quyền lợi cao nhất của DN, bởi vì nếu không kịp thời xử lý khi công bố quyết định của các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, hoặc các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra tại DN thì họ không còn cơ hội được điều chỉnh nữa.
Ngành Thuế đã làm gì để trợ giúp cho DN thực hiện quyết toán thuế 2018, thưa ông ?
Trong những năm gần đây, ngành Thuế không ban hành văn bản hướng dẫn quyết toán thuế vì các nội dung mà DN cần phải xác định, kê khai, đã được quy định rất cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản số 643/TCT-TTHT ngày 28/2/2019 chỉ đạo các Cục thuế địa phương chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ quyết toán thuế TNDN, TNCN năm 2018. Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN nộp tờ khai quyết toán thuế đúng hạn, đủ mẫu biểu, đúng và đầy đủ số liệu.
Một điểm nổi bật tại văn bản này, đó là việc Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế tùy theo tình hình và nhu cầu thực tế tại địa phương, Cục thuế chủ động tổ chức hội nghị tập huấn để hướng dẫn nội dung quyết toán thuế, tăng cường bố trí cán bộ để giải đáp vướng mắc, trực tiếp trợ giúp hoặc hỗ trợ DN qua điện thoại trong việc kê khai, quan tâm đến các DN mới thành lập. Đồng thời, các Cục thuế chủ động biên tập nội dung hướng dẫn quyết toán thuế cho DN trên địa bàn, tổ chức tuần hoặc tháng hỗ trợ người nộp thuế. Đây là điểm hết sức linh hoạt đã được Tổng cục Thuế quán triệt trong toàn ngành Thuế.
Đồng thời với việc quán triệt, chỉ đạo các Cục thuế địa phương, tại cơ quan Tổng cục Thuế, việc chú trọng nâng cấp chương trình hỗ trợ khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai quyết liệt. Ngay trong ngày 06/3/2019, chương trình hỗ trợ trực tuyến về khai quyết toán thuế TNCN được Tổng cục Thuế thực hiện trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế http://www.gdt.gov.vn.
Xin ông có thể cho biết vài nội dung quan trọng mà DN cần chú ý trong kỳ quyết toán thuế năm nay ?
Như tôi đã trao đổi trên đây, mặc dù chỉ quyết toán thuế TNDN, thuế TNCN, số ít DN phải quyết toán thuế tài nguyên, thuế BVMT... nhưng các DN cần phải rà soát lại tất cả các loại thuế, khoản thu mà thực tế có phát sinh tại doanh nghiệp.
Tôi xin chia sẻ một số lưu ý về thuế GTGT là loại thuế khai nộp hàng tháng hoặc hàng quý (đối với DN có quy mô doanh thu năm từ 50 tỷ đồng trở xuống), tuy không phải quyết toán vì mỗi lần DN phát hiện sai sót sẽ khai điều chỉnh. Tuy nhiên, hết năm cần rà soát lại đủ các tờ khai của năm trong các trường hợp:
Thứ nhất, DN có phân bổ thuế GTGT đầu vào để kê khai khấu trừ tương ứng với doanh thu đầu ra thuộc diện chịu thuế hoặc kết chuyển tính vào chi phí phần thuế đầu vào ứng với doanh thu đầu ra không thuộc đối tượng chịu thuế. Số liệu đã tạm xác định khai các kỳ trong năm nay so sánh với số tổng hợp doanh thu của cả năm chẵc chắn sẽ có chênh lệch.
Thứ hai, DN trong năm vừa có doanh thu xuất khẩu, vừa có doanh thu bán nội địa, có trường hợp được hoàn thuế, có trường hợp không được hoàn mà chuyển sang kê khai khấu trừ,... cũng cần rà soát, chốt lại số cả năm để sẵn sàng cho việc thuyết minh, giải trình với các đoàn, đội thanh tra, kiểm toán sau này.
Thứ ba, các DN trong năm đang hoạt động sản xuất kinh doanh, lại vừa có dự án đầu tư kê khai thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư theo mẫu 02/GTGT, rồi kết chuyển vào nội dung của tờ khai theo mẫu 01/GTGT.
Thứ tư, hầu hết DN chưa chắc chắn trong số hóa đơn đầu vào đã kê khai khấu trừ nay liệu có bao nhiêu hóa đơn, ở đối tác nào, số hóa đơn nào được xếp vào loại bất hợp pháp, đối tác rời bỏ địa chỉ kinh doanh, đã chấm dứt hoạt động. Loại này nhất thiết phải rà lại đầu vào để tự giá loại trừ, điều chỉnh tờ khai, xử lý tính vào chi phí được trừ...
Để giảm bớt sai sót, hạn chế rủi ro một cách tối đa trong quá trình khai thuế cũng như quyết toán thuế TTĐB đối với các DN có hoạt động sản xuất hoặc nhập khẩu (NK) các mặt hàng chịu thuế, rất mong ông chia sẻ thêm những lưu ý về những vấn đề này?
Theo tôi, có 3 nội dung cần được DN đặc biệt quan tâm, lưu ý rà soát thật kỹ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, cụ thể
Nội dung thứ nhất, đối với các DN có hoạt động sản xuất hoặc NK các mặt hàng chịu thuế, cần rà soát lại thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bởi đây là loại thuế gián thu có mức thuế suất rất cao, chỉ thu 01 lần tại khâu cản xuất hoặc khâu NK khi bán ra. Rất nhiều DN quan niệm là hàng hóa sau khi bán và khai nộp là xong, nhưng thực tế DN vẫn phải rà soát lại để điều chỉnh, tránh việc bị truy thu, bị xử phạt sau khi lời lãi đã chốt xong, thuế khóa đã quyết toán.
Thuế TTĐB đối với các hàng hóa sản xuất trong nước nhất thiết phải rà soát lại giá tính thuế để tránh việc bị thanh tra, kiểm toán sau này kiến nghị truy thu như đã xảy ra tại Sabeco, Habeco mấy năm trước đây. Theo đó DN cần đối chiếu mức giá bán của DN mình đã bán cho DN thương mại với mức giá của DN thương mại đã bán ra, nhất là trường hợp DN thương mại là công ty con, công ty liên kết (những đối tác của DN mà các cơ quan thanh tra, kiểm toán thường đồng thời thanh tra, kiếm toán).
Trường hợp, nếu 2 mức giá bình quân từng tháng mà chênh lệch quá 7% thì cần điều chỉnh, khai bổ sung thuế TTĐB của tháng có chênh lệch. Do không thể tăng thuế vào giá bán nên số thuế tăng thêm này đương nhiên sẽ làm giảm số thu nhập chịu thuế TNDN.
Nội dung thứ hai cần rà soát là các DN có NK nguyên liệu để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB như máy điều hòa nhiệt độ, NK rượu thùng để đóng thành rượu chai. Trong mọi trường hợp, kết thúc năm cần rà soát lại định mức sử dụng, thực tế sản xuất kinh doanh để xác định số thuế TTĐB đã nộp khâu NK được khấu trừ khi tính thuế sản phẩm bán ra.
Nội dung thứ ba cần rà soát đó là tôi muốn lưu ý các DN có hoạt động NK hàng hóa như xăng, rượu bia, ô tô chở người. Theo quy định từ 01/7/2016, các mặt hàng chịu thuế này khi DN NK thì tạm nộp thuế TTĐB theo tờ khai hải quan, sau đó khi bán ra trong nội địa thì căn cứ hóa đơn bán ra để tính lại số thuế. Nếu số thuế tính khi bán ra cao hơn số đã nộp tại khâu NK thì nộp tiếp số chênh lệch này.
Ngược lại, nếu số thuế tính khi bán ra mà thấp hơn số đã nộp khâu NK thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Thông tư số 20/2017 đã quy định các nội dung này nhưng nhiều DN chưa thực sự hiểu rõ. Chính vì vậy, thực tế đã không ít DN bị cơ quan Thuế ấn định giá tính thuế và truy thu do giá bán ra trên hóa đơn quá bất hợp lý (ví dụ có DN ghi hóa đơn bán ô tô NK thấp hơn nhiều giá xe cùng loại lắp ráp trong nước).
Xin cảm ơn ông !