Ngành Thuế nỗ lực chuyển đổi số một cách toàn diện

Nguyễn Quang Tiến - Ban Cải cách Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế

Chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện mô hình và cách thức vận hành các hoạt động của nền kinh tế nói chung và mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nói riêng, gắn với việc số hóa và ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới để tối ưu hóa mọi hoạt động của đời sống con người và quản lý xã hội. Để theo kịp xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ngành Thuế đã, đang và sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai các giải pháp tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hướng tới xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản là thể chế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp.

Từ năm 2017, ngành Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Từ năm 2017, ngành Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Chuyển đổi số trong quản lý thuế là quá trình chuyển đổi mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Vì vậy, yêu cầu tất yếu đặt ra là ngành Thuế cần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, công tác chuyển đổi số của ngành Thuế đang được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đúng định hướng, trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo chuyển biến từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ cũng như những thay đổi trong cách thức làm việc khi toàn bộ các hoạt động của cơ quan thuế được thực hiện trên môi trường số, những thay đổi trong cách thức cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.

Những kết quả nổi bật

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi nhất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý.

Thứ nhất, chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp:

- Từ năm 2017, ngành Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là nền tảng phát triển các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế.

- Ngày 21/3/2022, ngành Thuế đã chính thức công bố ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Qua ứng dụng eTax - Mobile, người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin về nghĩa vụ thuế, thông tin đăng ký về mã số thuế cá nhân, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác giúp tạo thuận lợi trong quá trình tìm hiểu thông tin trong lĩnh vực thuế, tính thuế. Từ tháng 8/2023, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai tích hợp eTax Mobile, iCaNhan xác thực bằng VNeID. Cổng TTĐT dành cho NCCNN kinh doanh trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới để hỗ trợ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.

- Tính đến hết năm 2023, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai 158 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4, trong đó đã tích hợp 101 DVCTT lên Cổng DVC Quốc gia. Qua đó, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thêm các dịch vụ thuế điện tử một cách nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính trên cổng DVCQG như nghĩa vụ tài chính về đất, lệ phí trước bạ phương tiện và các loại thuế khác của cá nhân đã được đánh giá cao và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân trong việc giảm thời gian, chi phí để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

- Đến nay toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử. Trong năm 2023, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai Chương trình “Hóa đơn may mắn”.

- Về hoạt động triển khai tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ để triển khai dịch vụ đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế với hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tạo điều để người nộp thuế là cá nhân không kinh doanh có thể sử dụng dịch vụ này một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành Thuế đã triển khai các ứng dụng bản đồ số như bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, bản đồ số các mỏ khoáng sản, bản đồ số hộ kinh doanh. Trong đó, bản đồ số hộ kinh doanh đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên ứng dụng Etax Mobile nhằm hỗ trợ người nộp thuế phản hồi thông tin đến cơ quan thuế về công tác quản lý thuế hộ kinh doanh của cơ quan thuế địa phương, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế, đồng thời giúp cho cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của người dân và giữa các hộ kinh doanh với nhau, tạo công bằng, minh bạch.

Thứ hai, chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế:

Thực tế, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý thuế trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, ngành Thuế xác định trước tiên hoạt động vận hành nội bộ trong cơ quan thuế phải đảm bảo hiệu quả, thông suốt. Vì vậy, ngành Thuế đã thay đổi tổng thể về cách thức làm việc, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan thuế lên môi trường số với việc triển khai các hệ thống hỗ trợ quản trị nội bộ như: hệ thống xử lý văn bản (edocTC), chương trình quản lý văn bản và điều hành (Taxoffice)… đã hỗ trợ toàn diện cho công tác điều hành của lãnh đạo, các hoạt động tác nghiệp của cán bộ các cấp cũng như có sự liên thông, kết nối dữ liệu trong Ngành.

Về hệ thống quản lý thuế, hiện nay, ứng dụng quản lý thuế tập trung – TMS mà ngành Thuế đang triển khai đã áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu thế quản lý thuế của các nhiều nước trên thế giới và đáp ứng được toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu theo các quy trình nghiệp vụ. Trong quá trình vận hành hệ thống, ngành Thuế luôn quan tâm và duy trì tốt công tác quản trị, vận hành, hỗ trợ hệ thống đảm bảo ứng dụng vận hành ổn định, an toàn thông tin đáp ứng các yêu cầu quản lý của các đơn vị nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, ngành Thuế đang từng bước thực hiện cải tiến các quy trình nghiệp vụ đáp ứng các yêu cầu mới hướng đến một hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn... Một số kết quả có thể kể đến như: Để hỗ trợ xác định nhanh các hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn trước kiểm tra sau để giải quyết kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan thuế thực hiện việc phân tích, phân loại rủi ro trong hoàn thuế thông qua việc phân tích tổng hợp từ dữ liệu hóa đơn, khai thuế, nộp thuế, nghĩa vụ thuế, báo cáo tài chính… để phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế; Thí điểm Ứng dụng trí tuệ nhân AI trong việc truy vết, xác định chuỗi liên kết mua bán của doanh nghiệp theo thông tin về mặt hàng trên dữ liệu hóa đơn của doanh nghiệp để hỗ trợ cơ quan thuế xác định các doanh nghiệp có hành vi gian lận, chiếm đoạt hoàn thuế giá trị gia tăng bằng các giao dịch mua bán quay vòng hàng hóa; xác định chuỗi liên kết mua bán của doanh nghiệp theo tiêu chí loại hàng hóa để xác định các trường hợp mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số, góp phần xây dựng Chính phủ số

Với việc triển khai tốt các giải pháp hướng tới chuyển đổi số ngành Thuế, Tổng cục Thuế được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số 2 năm liên tiếp (2021-2022). Năm 2023, “Dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh” của Tổng cục Thuế tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là 1 trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc đáp ứng tốt nhất các tiêu chí “toàn trình” và “toàn dân”. Kết quả này là sự khích lệ, động viên đối với những nỗ lực chuyển đổi số của ngành và là động lực để thúc đẩy ngành Thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển và hướng tới chuyển đổi số trong toàn ngành.

Năm 2024, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã được phê duyệt tại các chương trình chuyển đổi số trọng điểm của Chính phủ, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính thì ngành Thuế cần tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với chủ đề năm 2024, năm “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thuế xác định các giải pháp đặt ra vẫn phải gắn với trung tâm là người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Cụ thể:

- Mở rộng các dịch vụ thuế điện tử hướng đến hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng, thuận tiện như: Cung cấp số liệu điền sẵn trên các tờ khai thuế của người nộp thuế dựa trên cơ sở dữ liệu ngành Thuế và người nộp thuế chỉ phải đối chiếu và xác nhận, gửi cơ quan thuế; Hỗ trợ tra cứu các khoản phải nộp và thanh toán nhanh chóng, thuận tiện với nhiều phương thức khác nhau; Quản lý giao tiếp, quản lý thông tin người nộp thuế như khách hàng, quản lý hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động cung cấp dịch vụ; Tiếp tục triển khai nền tảng hóa đơn điện tử đáp ứng hoàn cảnh và nhu cầu mới, đẩy mạnh triển khai hoạt động khởi tạo hóa đơn từ máy tính tiền.

- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) trả lời tự động, hỗ trợ người nộp thuế theo nhu cầu (Chatbot hỗ trợ người nộp thuế) để hỗ trợ người nộp thuế tra cứu, tiếp nhận các thông báo của cơ quan thuế, đồng thời cung cấp chủ động cho người nộp thuế các thông tin về pháp luật thuế, giao dịch về thuế, thông báo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế.

- Tiếp tục vận hành hiệu quả Hệ thống quản lý thuế tập trung đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống quán lý thuế mới trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn… đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ. Tái thiết kế các quy trình nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ tự động hóa tối đa theo luồng xử lý công việc…

- Mở rộng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu về thuế trên nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế và quản lý tuân thủ. Xây dựng hệ thống kết nối trao đổi dữ liệu từ các Bộ, ngành, ngân hàng và các tổ chức liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hỗ trợ NNT. Phát triển hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trên cơ sở áp dụng công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy học) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, hỗ trợ công tác quản lý thuế.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo hướng dịch vụ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển hạ tầng Internet vạn vật và các công nghệ số mới trong việc xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế để đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế.

Trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành Thuế quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, lấy người nộp thuế là trung tâm. Ngành Thuế luôn đặt mục tiêu đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, qua đó góp phần vào thành công chung trong hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính, hướng tới việc phát triển nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch theo đúng định hướng về Chính phủ số.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Quản lý thuế số 38/2029/QH14;
  2. Thủ tướng, Quyết định số 508/QĐ-TTg Phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”;
  3. Bộ Tài chính, Quyết định số 2349/QĐ-BTC Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024