Ngành Thuế quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020


Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm; Giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2020 do Tổng cục Thuế tổ chức sáng 8/7 tại Hà Nội. Thứ trưởng Trần Xuân Hà tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà và tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà và tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế.

Nguồn thu NSNN giảm mạnh

Tổng cục Thuế cho biết, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 của ngành Thuế là 1.254.300 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 35.200 tỷ, thu nội địa trừ dầu là 1.219.100 tỷ; Thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết... là 1.018.100 tỷ đồng. Kết quả thu 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tỷ lệ thực hiện dự toán thu NSNN do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp nhất so với thu của một số năm gần đây (năm 2019 đạt 51,1% dự toán, năm 2018 đạt 49,6%, năm 2017 đạt 48,2%).

Trong tinh gọn bộ máy ngành Thuế: Giảm từ 715 xuống 415 Chi cục thuế khu vực. Tổng cục Thuế là một trong những đơn vị triển khai tích cực và có hiệu quả công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy trong ngành Tài chính theo quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.Trong đó đáng chú ý là công tác sắp xếp, hợp nhất Chi cục Thuế để thành lập Chi cục Thuế khu vực.

Về diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4 trở đi, cụ thể thu tháng 1 tăng 18,2%, trong đó số thu nội địa trừ đất, cổ tức, xổ số, chênh lệch thu chi NHNN (gọi chung là thu nội địa từ thuế, phí) tăng 7,2%; tháng 2 tăng 13,4% (trong đó số thu từ thuế phí tăng 12,6%); tháng 3 tăng 11,7% (trong đó số thu từ thuế, phí tăng 2,4%); tháng 4 thu chỉ bằng 78,5% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,2% cùng kỳ); tháng 5 thu chỉ bằng 66,1% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,3%); tháng 6 thu chỉ bằng 84,3% (trong đó thu từ thuế phí chỉ bằng 83,3% cùng kỳ).

Với kết quả thu NSNN nêu trên, số thu NSTƯ lũy kế 06 tháng đầu năm 2020 đạt 260.257 tỷ đồng, bằng 43,8% dự toán, bằng 95,9% so với cùng kỳ. Thu NSĐP ước đạt 313.980 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, bằng 96,3% cùng kỳ.

Tăng cường chống thất thu NSNN

Tính đến hết tháng 6 năm 2020, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 29.280 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp (DN), đạt 31,67% kế hoạch năm 2020 (29.280 DN/92.457 DN) và bằng 82,84% so với cùng kỳ năm 2019; kiểm tra được 281.219 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 28.940,55 tỷ đồng bằng 140,86% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 10.386,19 tỷ đồng bằng 182,47% so với cùng kỳ năm 2019; giảm khấu trừ là 629,67 tỷ đồng bằng 67,72% so với cùng kỳ năm 2019; giảm lỗ là 17.924,68 tỷ đồng bằng 128,73% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 4.827,28 tỷ đồng, đạt 46,48% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.

Toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 72 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 212,55 tỷ đồng; giảm lỗ 1.367,75 tỷ đồng; giảm khấu trừ 0.02 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.479,08 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 107,18 tỷ đồng, giảm lỗ 1.251,92 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu 1.265,82 tỷ đồng.

Đến nay, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 1.593 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, bằng 73,21% so với cùng kỳ năm 2019 (1.593 DN/2.176 DN), tương ứng với tổng số tiền hoàn là 7.506 tỷ đồng bằng 73,32% so với cùng kỳ năm 2019 là 10.237 tỷ đồng (trong đó: Tổng số quyết định ban hành trong năm thanh tra, kiểm tra 2020 là: 190 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 621,8 tỷ đồng bằng 42,01% so với cùng kỳ năm 2019 là 1.480 tỷ đồng; Tổng số quyết định ban hành trước năm thanh tra kiểm tra là 1.403 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 6.884 tỷ đồng bằng 78,61% so với cùng kỳ năm 2019 là 8.757 tỷ đồng). Tổng số tiền truy hoàn và phạt là 66,8 tỷ đồng bằng 98,80% so với cùng kỳ năm 2019 là 67,6 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 49 tỷ đồng, tổng số tiền phạt là 17,8 tỷ đồng, tổng số tiền bị truy hoàn và phạt đã nộp vào NSNN là 26,9 tỷ đồng).

Cùng với công tác thanh kiểm tra, xác định công tác quản lý nợ đọng thuế góp phần làm tăng thu NSNN, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tập trung cao nhất cho công tác thu NSNN

Tại Hội nghị, thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận và biểu dương kết quả thành tích mà ngành thuế đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Thứ trưởng cho rằng có được kết quả đó là sự nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức của toàn ngành thuế từ Trung ương đến địa phương, sự phối kết hợp của các bộ ngành, các đơn vị trong Bộ Tài chính, các sở ngành địa phương và là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, trực tiếp là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thứ trưởng nêu rõ, nhiệm vụ thu NSNN còn lại của 6 tháng cuối năm còn hết sức nặng nề (trên 55% dự toán). Nhiều khoản thu còn thấp hơn so với dự toán, đặc biệt là thu từ khu vực kinh tế quốc doanh, khu vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh. Trong khi đó tình hình kinh tế của Việt Nam nói chung có khả năng phục hồi sau đại dịch, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, song tác động của COVID đến tình hình sản xuất kinh doanh là khá nặng nề, từ đó ảnh hưởng đến thu NSNN, đòi hỏi phải có quyết tâm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Việc thực hiện các chức năng trong công tác quản lý thuế đã được cải thiện, tuy nhiên đi sâu vào vào từng chức năng từ kê khai, thu nộp, thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, tuyên truyền hỗ trợ, thống kê kế toán cho thấy cần phải tiếp tục làm rõ quy trình một cách bài bản, công khai minh bạch và hiệu quả. Công tác chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận cần được coi trọng. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến cấp độ 4 còn thấp; còn hơn 120 thủ tục hành chính (TTHC) chưa được cung cấp trực tuyến; cơ chế một cửa liên thông điện tử chưa được sử dụng một cách đồng bộ; việc xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử chung cho cả nước còn chậm.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2020 cũng như thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của cả giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng cho rằng ngành Thuế cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, phải có quan điểm tài chính phát triển như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết ngành Tài chính tổ chức sáng 7/7. Trong đó tập trung vào một số nội dung:

Thứ nhất, toàn ngành Thuế cần tập trung phấn phấn đấu thực hiện thu NSNN cao nhất có thể, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các cơ quan thuế phải nắm chắc đối tượng nộp thuế, nắm chắc nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các biện pháp khai thác triệt để các nguồn thu để bù vào phần thiếu hụt (nếu có), đảm bảo thu NSNN trên địa bàn cũng như thu cân đối NSĐP (ví dụ thu từ đất, thu chênh lệch lợi nhuận cổ tức, thu hồi nợ,…)

Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID, tạo điều kiện khôi phục và phát triển môi trường kinh doanh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có vấn đề xuất khẩu, trong đó, ngành Thuế phải có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo ra được nguồn thu cho NSNN.

Thứ ba, cơ quan thuế cũng cần tục thực hiện chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, tạo tiền đề cho giai đoạn 2021-2030, trong đó căn cứ Luật Quản lý thuế sửa đổi để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế, về hành thu theo hướng chặt chẽ về quy định, đơn giản hóa về TTHC, rõ ràng minh bạch trong mọi hoạt động giữa cơ quan thuế và người nộp thuế từ khâu kê khai đến khâu thu nộp, thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định ngay sau Hội nghị sẽ triển khai các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính đến các đơn vị trong Tổng cục cũng như toàn hệ thống, đồng thời rà soát, nghiên cứu các kiến nghi, đề xuất của cơ quan thuế địa phương để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN của cơ quan thuế năm 2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định ngay sau Hội nghị sẽ triển khai các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính đến các đơn vị trong Tổng cục cũng như toàn hệ thống, đồng thời rà soát, nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của cơ quan thuế địa phương để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2020.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện Để án mở rộng cơ sở thuế, trong đó chú trọng các đối tượng các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia định và cá nhân kinh doanh; triển khai Đề án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, các hoạt động giao dịch liên kết, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Các nội dung này cũng đã được đề cập trong Luật Quản lý thuế, vấn đề là có biện pháp triển khai có hiệu quả và phải kết hợp với các bộ, ngành và các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán để thực hiện.

Thứ năm, Tổng cục Thuế cũng như cơ quan thuế địa phương cần quan tâm đôn đốc thu hồi nợ đối với các khoản nợ có khả năng thu hồi; các cơ quan thuế tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về xử lý nợ, xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp thu hồi nợ, báo cáo cấp ủy chính quyền địa phương phê duyệt và chỉ đạo thực hiện. Đồng thời thống kê, đánh giá các khoản nợ, các hồ sơ xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện trong 6 tháng cuối năm và một số năm tiếp theo.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xác định số thuế phải nộp; thanh tra, kiểm tra về việc hoàn thuế nhằm tăng thu cho NSNN và giữ nghiêm kỷ luật tài chính. Các cán bộ thanh tra, kiểm tra cần được tập huấn đầy đủ quy định thanh tra, kiểm tra, cách thức và nội dung biên bản thanh tra, kết luận thanh tra, kiểm tra một cách rõ ràng và minh bạch. Đối với một số cơ chế, chính sách, nhất là ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư, đề nghị xem xét để hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện cho thống nhất.

Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức thực hiện nghiêm chế độ công vụ, phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong Ngành, xử lý nghiêm các biểu hiện sai phạm, đồng thời giữ đoàn kết nội bộ, đồng sức đồng lòng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.