Ngành Thuế thực hiện quyết liệt công tác dân vận trong cải cách thủ tục hành chính

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ BÙI VĂN NAM

(Tài chính) Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc của Chính phủ và đoàn thể đã giao…trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là vì lợi ích cho họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được…”(*)

Ngành Thuế thực hiện quyết liệt công tác dân vận trong cải cách thủ tục hành chính
Ngành Thuế tiếp tục từng bước đổi mới phương pháp quản lý thu thuế, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách thuế. Nguồn: internet
Để làm tốt công tác Dân vận trong quản lý thu thuế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà đại bộ phận nhân dân đều có ý thức chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nghĩa vụ thuế, vẫn còn không ít những tổ chức, cá nhân chưa thực sự nhận thức đúng và chưa tự giác chấp hành tốt nghĩa vụ của người nộp thuế, chính vì vậy đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức ngành Thuế phải không ngừng rèn luyện, học tập về nghiệp vụ chuyên môn, thông hiểu chính sách pháp luật, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các Luật thuế, các chính sách có liên quan hiện hành, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử với người nộp thuế phù hợp với từng đối tượng, từng thành phần kinh tế khác nhau, trau dồi kỹ năng tuyên truyền giải thích, vận động …mới có thể làm tốt vai trò nhiệm vụ được giao theo chức năng đã được quy định.

Sau gần 40 năm thống nhất đất nước, đồng hành cùng với cả nước tiếp tục bắt tay vào công cuộc đổi mới, vừa xây dựng đất nước vừa tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngành Thuế tiếp tục từng bước đổi mới phương pháp quản lý thu thuế, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách thuế, tài chính được thu từ thuế tiếp tục được phát huy để phục vụ cho quốc kế dân sinh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ lợi ích của nhân dân, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, đặc biệt là từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Những đóng góp sức người, sức của của nhân dân ta và các thành phần kinh tế, càng thấy rõ được ý nghĩa quan trọng trong lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành phương châm đồng hành xuyên suốt của toàn ngành.

Làm tốt công tác dân vận đối với ngành thuế là một thử thách không nhỏ, bởi các chính sách thuế có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân từ hộ nông dân, hộ tiểu thương cho đến các tổ chức kinh tế có quy mô lớn... chính vì vậy công tác dân vận của ngành Thuế càng đòi hỏi phải có sự đổi mới trong cải cách các thủ tục hành chính thuế và quản lý thuế hợp lòng dân, góp phần giúp cho ngành Thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, công tác vận động trong việc thực hiện thu và quản lý thuế rất khác đối với công tác vận động từ thiện xã hội, vận động đóng góp cho một công trình phúc lợi công cộng...bởi vì thuế là khoản đóng góp mang tính nghĩa vụ bắt buộc của mỗi người dân, từ tính chất này qua nhiều giai đọan cải cách thủ tục hành chính đến nay, ngành Thuế bước đầu đã có nhiều cố gắng đi sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời nguyện vọng của nhân dân nói chung và của mỗi đối tượng nói riêng, tạo môi trường thuận lợi hơn cho người nộp thuế, nhất là từ khi chuyển từ mô hình quản lý đối với người nộp thuế thành chế độ tự khai, tự nộp, cơ quan thuế các cấp luôn xem đối tượng nộp thuế là khách hàng, là bạn đồng hành, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà gây khó khăn cho người nộp thuế, áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin để người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, mạng Internet công khai hỗ trợ, tuyên truyền, giải thích giúp cho các doanh nghiệp có thể tự chủ về tài chính, về thời gian và ngày càng nâng cao hơn ý thức chấp hành nghĩa vụ của mình để đóng góp cho ngân sách Nhà nước ngày một nhiều hơn.

Trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định "Nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại song song, Nhà nước dùng công cụ thuế để điều tiết thu nhập của mọi thành phần kinh tế…",  nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác thuế gắn với quyền và nghĩa vụ của người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cấp ủy và lãnh đạo các cấp trong ngành Thuế đã luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức trong ngành dù đang làm công việc ở các bộ phận trực tiếp hay gián tiếp phải luôn có trách nhiệm làm tốt công tác dân vận ở mọi vị trí công việc được phân công.

Đối với từng sắc thuế, tùy thuộc vào từng đối tượng chịu thuế (tổ chức hay cá nhân) để đổi mới phương pháp tiếp cận phù hợp, giúp cho cho người nộp thuế hiểu được, hiểu đúng và thông suốt những quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của mình để từ đó họ sẽ an tâm, tự nguyện tự giác nộp thuế cho Nhà nước, không để nợ đọng kéo dài, hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp chế tài (Quyết định xử phạt, cưỡng chế…) có như vậy thì mới đảm bảo thực hiện được phương châm và mục tiêu của ngành Thuế theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh“thu thuế phải thu được lòng dân".

Tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế nước ta nói riêng hiện nay đang có những diễn biến đầy khó khăn, phức tạp, giá cả thị trường biến động thường xuyên, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược làm cho đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng không ít, do vậy ngoài những biện pháp kích cầu của Chính phủ như giãn thuế, giảm thuế….ngành Thuế còn phải cân nhắc trong việc quản lý vận động thu làm thế nào đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu công bằng đối với mọi tổ chức và cá nhân người nộp thuế, hạn chế tối đa việc thất thu về doanh số, về hộ, về tình hình nợ thuế kéo dài.Thời gian qua, ngành Thuế cũng đã từng bước thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thuế như: thực hiện tốt chế độ niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các chính sách pháp luật có liên quan đến người dân ở các Văn phòng, trụ sở làm việc cơ quan thuế các cấp, cũng cố bộ phận tuyên truyền hổ trợ người nộp thuế, tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế hàng quý, hình thành và phát huy chức năng của bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”, thường xuyên tạo điều kiện để cán bộ thuế cập nhật thông tin, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người nộp thuế, gắn các tiêu chí về xây dựng đạo đức của người cán bộ, đảng viên, công chức thuế trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư" gắn với thực hiện tốt công tác dân vận trong ngành thuế về tăng cường đổi mới cải cách thủ tục hành chính.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, cùng với các ngành, các cấp trong cả nước, những lợi ích đem lại cho người dân từ công cuộc cải cách của ngành Thuế đã và đang là lợi ích tổng thể mà xã hội nhận được vì mục tiêu tốt đẹp: dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng một nền hành chính công có tính khoa học, vì dân phục vụ. Từ nay đến năm 2020,  ngành Thuế đã và đang thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2015 và các Đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 theo Quyết định số 2162/QĐ-BTC ngày 08/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 25/8, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung về nội dung và mẫu biểu của 7 Thông tư nhằm cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế, tháo gỡ khó khăn trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và giảm số giờ làm thủ tục về thuế trong năm. Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC góp phần hỗ trợ ngành Thuế tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế; đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân giảm 50% số giờ kê khai, nộp thuế trong năm.

Bên cạnh đó, nhằm thống nhất ý chí và hành động trong toàn Ngành trong việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế, ngày 6/8/2014, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định số 1201/QĐ – TCT kèm theo Kế hoạch hành động "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân". Theo đó, Tổng cục Thuế đã và đang khẩn trương sửa đổi bổ sung các thông tư về thuế Giá trị gia tăng, Thu nhập Doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân...; Tiến hành xây dựng thông tư đơn giản hoá thủ tục đăng ký, cấp mã số thuế, kê khai, mua hoá đơn, nộp thuế, nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm số giờ và số lần thực hiện nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp.

Cùng lúc, toàn ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá công tác thu nộp thuế, phấn đấu 100% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng; Triển khai thực hiện đề án nộp thuế điện tử tại 18/63 tỉnh, Thành phố... Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đưa ra kế hoạch kiểm soát, công khai thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; xây dựng đề án đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang chuẩn bị hoàn tất việc xây dựng bộ chỉ số để đánh giá dựa trên các tiêu chí của Tuyên ngôn ngành Thuế: Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính và Đổi mới. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng đề án quản trị công việc cơ quan thuế các cấp, xây dựng và ban hành chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu; Triển khai các biện pháp phát triển đại lý thuế và kế hoạch đổi mới công tác tuyên truyền thuế cho toàn hệ thống, nhằm tạo ra hiệu ứng tốt cho nỗ lực cải cách và hiện đại hoá của toàn Ngành.

Để đảm bảo hiệu quả việc triển khai Kế hoạch hành động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân và Chỉ thị số 01/CT-TCT, ngày 19/8/2014 về việc tăng cường kỷ cương kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế với người nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng đã xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thuế các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp quản lý, đồng thời chỉ rõ những ràng buộc về đánh giá chất lượng công việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân, tổ chức trong cơ quan thuế. “Mục tiêu cụ thể nhất mà Kế hoạch hành động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân của Tổng cục Thuế hướng đến là phấn đấu ngay trong năm 2014 này sẽ giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 312 giờ/năm, giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực.

Với phương châm “Đồng hành cùng người nộp thuế”, các cơ quan thuế địa phương trong cả nước cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của ngành, báo địa phương, hội nghị tập huấn, tài liệu hướng dẫn, tờ rơi, gửi qua địa chỉ email, ...phù hợp, hiệu quả với từng nhóm người nộp thuế. Hàng năm, Cục Thuế các tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với hàng nghìn lượt người nộp thuế để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc về chính sách thuế, đồng thời tổ chức Hội nghị tuyên dương khen thưởng các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Cùng với sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, để nhằm đảm bảo yêu cầu thu chi, cân đối ngân sách thì nhiệm vụ của ngành thuế được xác định là ngày càng nặng nề, khó khăn hơn, vì vậy, để làm tốt công tác Dân vận trong ngành Thuế ngoài việc không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trang bị thêm cho từng cán bộ thuế về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp... ngành Thuế còn phải tranh thủ sự đồng tình hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyến, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, đó là một yêu cầu cấp thiết, vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm để khắc phục thiếu sót của từng cán bộ thuế, từng cơ quan thuế, có làm được như vậy thì chúng ta tin tưởng rằng dù công tác thu thuế có khó khăn đến mấy nhưng ngành thuế cũng sẽ luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.