Ngành Thuế yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý nợ thuế

PV.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế đến ngày 30/9/2017 là 73.930 tỷ đồng, trong đó, hơn 48.200 tỷ đồng có khả năng thu hồi được. Trước tình trạng nợ thuế có xu hướng tăng, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các địa phương, đặc biệt là những cục thuế có số nợ lớn phải tăng cường công tác thu hồi nợ thuế.

Bộ Tài chính chỉ đạo, đến ngày 31/12/2017, giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với thực thu ngân sách năm 2017. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính chỉ đạo, đến ngày 31/12/2017, giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với thực thu ngân sách năm 2017. Nguồn: Internet

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu so với tổng dự toán thu nội địa ở mức 4,9%, bằng 3,8% so với tổng thu ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi lên đến hơn 27.300 tỷ đồng, tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, phấn đấu đến ngày 31/12/2017, số nợ thuế giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách năm 2017. Rõ ràng, đây là thách thức không nhỏ đối với ngành Thuế.

Tại sao nợ thuế có xu hướng gia tăng?

Tổng cụ Thuế cho biết, tình hình nợ thuế có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, nhất là có tới 13 tỉnh có số nợ thuế cao hơn 5% tổng thu ngân sách. Nguyên nhân chính được lý giải bởi tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp ngân hàng, dẫn đến chưa nộp ngay và nộp kịp thời tiền thuế.

Trong khi đó, các biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ cũng gặp nhiều khó khăn. Đối tượng cưỡng chế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan thuế địa phương đối với công tác đôn đốc nợ chưa sát sao. Việc thực hiện cưỡng chế, công khai thông tin người nợ thuế; Việc thực hiên đôn đốc xử lý nợ và cưỡng chế nợ chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Bên cạnh đó, một bộ phận DN, người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên. Một số DN kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh, còn nợ thuế, không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế, thông báo nợ thuế gửi đến DN, người nộp thuế thường bị trả lại, gây khó khăn cho công tác quản lý, đôn đốc nộp thuế.

Nhiều khoản tiền thuế nợ không thể thu được nhưng cũng không thể xử lý xóa được do chưa có quy định xử lý, nên cơ quan thuế các cấp vẫn phải thực hiện theo dõi, tính tiền phạt chậm nộp, làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế. Số tiền chậm nộp của nhóm nợ có khả năng thu cũng lớn (17.208 tỷ đồng) mà không thể thu được do DN, người nộp thuế chỉ thực hiện nộp khoản nợ gốc, chưa có ý thức để nộp khoản tiền chậm nộp.

Giảm số nợ không quá 5% so với số thực thu ngân sách

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2017, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị cục thuế các địa phương phải thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý nợ, tăng cường thu hồi nợ thuế để giảm số nợ không quá 5% so với số thực thu ngân sách năm 2017, đưa tổng số tiền nợ thuế của toàn ngành Thuế không quá 72.000 tỷ đồng.

Trong các tháng cuối năm, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục Quy trình quản lý nợ và Quy trình cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện điện tử hóa trong khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ.

Tiếp tục giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế, chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng tới từng Lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng, từng cán bộ quản lý DN, để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào ngân sách Nhà nước và không để phát sinh nợ mới.

Thông báo danh sách DN nợ thuế yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, hàng tháng kiểm điểm việc tổ chức thực hiện cưỡng chế nợ của các cơ quan thuế. Đối với các DN, người nộp thuế đã nộp hết nợ gốc, chỉ còn nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, trình cơ quan có thẩm quyền cho phép DN, người nộp thuế được nộp dần trong thời hạn 24 tháng, tạm thời chưa áp dụng cưỡng chế nợ.

Cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục triển khai đầy đủ các biện pháp như theo dõi sát tình hình kê khai của DN, người nộp thuế; Thực hiện phân loại đúng quy định làm cơ sở đôn đốc thu tiền thuế nợ; Ban hành đầy đủ thông báo tiền thuế nợ gửi từng DN, người nộp thuế để đôn đốc thu tiền thuế nợ; kiên quyết thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai số nợ đọng thuế của từng địa phương, DN; Tập trung kiểm tra việc phân loại nợ thuế, việc tổng hợp đầy đủ các khoản tiền thuế nợ, việc thực hiện cưỡng chế, đôn đốc thu tiền thuế nợ; Thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý nợ thuế một cách hiệu quả nhất, nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ đọng thuế/tổng thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Tổng cục Thuế chỉ đạo, các cục trưởng cục thuế phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về việc thực hiện chỉ tiêu giảm nợ tối thiểu trong các tháng cuối năm 2017, và số tiền thuế nợ phải đạt được tại thời điểm 31/12/2017.