Ngành Xây dựng Việt trong năm đại dịch COVID-19: Khó khăn và cơ hội
Đại dịch COVID-19, cùng giá nguyên vật liệu tăng cao đã tạo nên sức ép về tiềm năng tăng trưởng của ngành Xây dựng.
Đại dịch COVID-19, đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi lĩnh vực, trong đó có ngành Xây dựng. Giá nguyên vật liệu tăng cao đã tạo nên sức ép lớn về tiềm năng tăng trưởng của Ngành.
Gặp nhiều lực cản
Thời gian qua, giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với dịch bệnh COVID-19 đã trở thành “lực cản”, kìm hãm sự phát triển của ngành Xây dựng.
Mới đây, tại Talkshow “Trỗi dậy sau khủng hoảng” của Tri Thức Trẻ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhận định, khó khăn của Ngành vẫn chưa qua. Không chỉ đại dịch cũng như giá vật liệu xây dựng tăng, ngành Xây dựng còn chịu một áp lực rất lớn về tiềm năng tăng trưởng.
"Trước năm 2015, ngành Xây dựng Việt Nam tăng trưởng với một tốc độ cao hơn nhiều. Từ khi có những khó khăn về pháp lý của dự án, ngành Xây dựng đã có sự chững lại nhưng không phải chỉ do ít dự án bất động sản được cấp phép”, ông cho biết.
Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân đã phát triển rất mạnh, riêng Hòa Bình tăng trưởng bình quân 38%/năm trong 30 năm qua.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đơn vị tư nhân đã làm nên một cuộc cách mạng đó là nhà thầu Việt Nam đã thay thế nhà thầu ngoại tại các dự án có quy mô lớn, yêu cầu tính mỹ thuật cao.
Tuy nhiên, ngành Xây dựng lúc này gặp khủng hoảng khi các nhà thầu ngoại không còn nhiều bóng dáng trên các đô thị Việt Nam. Bởi vì, chúng ta không có dư địa để công ty xây dựng tư nhân tăng trưởng mạnh hơn nữa, mà chỉ tăng trưởng ở mức độ bình thường theo sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Mà thị trường này theo ông Hải thì mỗi năm chỉ tăng trưởng không quá 15%, vì sức mua cũng có giới hạn.
Thêm vào đó, khi tất cả các công ty sẵn sàng để tăng trưởng với tốc độ cao cũng như huy động mọi nguồn lực để đảm bảo được đà tăng trưởng đó, thì giờ đây họ phải tìm cho được việc đã, phải kiếm cho ra công trình. Điều này dẫn đến giá đấu thầu xây dựng cạnh tranh rất khốc liệt.
Mặc dù tác động của đại dịch đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, quy mô thị trường hiện nay vẫn là bài toán nan giải đối với các nhà thầu đầu tư.
Cần “chìa khóa” để khôi phục tiềm năng phát triển
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hải nhận định, sau khi có chủ trương của Chính phủ mà trước tiên là quy hoạch lại các khu đất có thể xây dựng được nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp… có thể sẽ tác động lên thị trường BĐS ở các phân khúc này. Tuy nhiên, có làm nhanh thì ông cho biết cũng sẽ mất một vài năm.
Theo đó, Chính phủ đang nổ lực giải quyết những vướng mắc về pháp lý dự án ở phân khúc nhà trung bình, trung bình cao và cao cấp. Đây được xem là quyết định rất đúng đắn, nằm trong mục tiêu khôi phục kinh tế sau đại dịch.
Trong tương lai, thị trường bất động sản nói chung cũng như xây dựng nói riêng có thể khởi sắc hơn. Tuy nhiên, với tiềm năng của các công ty xây dựng tư nhân trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng, nhu cầu phát triển với một tốc độ cao đã đạt được trước đây.
Muốn khôi phục được trọn vẹn năng lực của các công ty xây dựng tư nhân cần phải mở một thị trường mới.
Điều này có thể kỳ vọng trong tương lai bởi trước đó, Hoà Bình, Coteccons, Delta, Ecoba, An Phong những năm trước đây đều đạt được mức tăng trưởng rất cao, mỗi năm không dưới 25% và cũng có công ty trên 30% - 35%/năm.
Trong đó, Hoà Bình đạt được 38%, xấp xỉ 40%/năm. Với tốc độ đó, nếu không có thị trường nước ngoài, thì các nhà thầu tư nhân trong nước sẽ bị kìm hãm do thị trường hiện quá nhỏ mà nhu cầu phát triển thì quá lớn.
Do đó, mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng nếu không tìm ra thị trường để giải phóng sức sản xuất thì sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành Xây dựng trong tương lai.