Ngày 05/3, xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm gây thiệt hại cho SCB hơn 498.000 tỷ đồng

Huyền Châm

Ngày mai (05/3), Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiến hành xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về 3 tội danh gồm Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng bị xét xử với Trương Mỹ Lan còn có 80 bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước về các tội danh Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Văn Lang và Công ty Capella bị xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tòa án triệu tập khoảng 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; hơn 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Phiên xử sơ thẩm do thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh làm chủ tọa. Dự kiến phiên tòa xử vụ án kéo dài gần 2 tháng, tuyên án vào ngày 29/4.

Theo cáo trạng, mặc dù không giữ chức vụ trong SCB nhưng do luôn nắm giữ cổ phần chi phối từ 85%-91,5% cổ phần SCB nên Trương Mỹ Lan là người thực tế có quyền lực cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của ngân hàng SCB ngay từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án.

Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tuyển chọn, bố trí nhân sự là những người thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt SCB để nắm quyền điều hành, thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bị cáo Lan; chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê hoặc nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB.

Vì đều là các khoản vay khống, do vậy khi đến hạn không trả được nợ, Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống khác, số tiền Trương Mỹ Lan rút ra sử dụng ngày càng nhiều dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Cơ quan điều tra xác định, trong giai đoạn từ 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền hơn 1,06 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay với dư nợ hơn 677 nghìn tỷ đồng (gồm gần 484 nghìn tỷ nợ gốc và hơn 193 nghìn tỷ nợ lãi/phí), các khoản vay điều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.