Sẽ tiếp thêm lực cho DATC để xử lý nợ
Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu tại dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa được Bộ Tài chính công bố rộng rãi xin ý kiến trong xã hội.
Dự thảo quy định này được đưa vào nhằm giải quyết nhu cầu thực tiễn DATC gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động, ảnh hưởng đến kết quả xả lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Cùng với đó, là thị trường mua bán nợ Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, nhu cầu xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp ngày càng tăng; Đồng thời, việc tăng quyền cho DATC cũng nhằm đảm bảo sự tương đồng về nhiệm vụ với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)...
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định, DATC được bổ sung chức năng là công cụ của Chính phủ tham gia “xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước
DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, DATC được tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ) để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.
Đáng chú ý, DATC được thực hiện các biện pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính (tương tự như VAMC), bảo lãnh vay vốn tín dụng. DATC được xóa nợ trong trường hợp khách nợ đã giải thể, phá sản theo quy định của cấp có thẩm quyền
Nghị định cũng quy định “Trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng một phần chi phí quản lý”.
Đặc biệt, dự thảo Nghị định quy định nội dung DATC được chuyển nhượng phần vốn góp kèm nợ phải thu để phù hợp với đặc thù của hoạt động mua bán, xử lý nợ (bao gồm hình thức chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp khách nợ).
Ngoài ra, dự thảo Nghị định bổ sung quy định đối tượng DATC tham gia tái cơ cấu gồm: doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định việc đề nghị DATC tham gia tái cơ cấu để chuyển thành công ty cổ phần trong trường hợp âm vốn chủ sở hữu. DATC xem xét quyết định tham gia tái cơ cấu theo thẩm quyền.
DATC tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của DATC gồm: (i) Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN; (ii) Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ; (iii) Mua và xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng theo cơ chế thị trường…