Ngày thứ hai Quốc hội tiến hành chất vấn

Theo baochinhphu.vn

Ngày 31/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong phiên làm việc sáng 31/10, các “Tư lệnh” ngành đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề: Thu hồi nợ đọng thuế; dự thảo Thông tư quy định cho thôi học “sinh viên bán dâm 4 lần”; giải pháp giải quyết vấn đề hạn điền, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng lao động nông thôn; số hóa công tác quản lý thị trường; giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, xét xử; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa;…

Gắn chặt đào tạo nghề với doanh nghiệp, thị trường

Trả lời đại biểu Tô Thị Minh Châu về giải pháp đột phát phát triển đào tạo nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thời gian tới sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp là: Tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp. Thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu của công tác đào tạo nghề. Chuyển mạnh đào tạo theo đầu ra, gắn đào tạo với thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bài bản hơn, từng bước hình thành lực lượng lao động hiện đại, ngoài kỹ năng nghề nghiệp còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác như kiến thức thị trường, kỹ năng phân tích....

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cuối năm nay, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ bàn thảo sâu hơn về vấn đề này.

Bảo tồn di sản: Đầu tư 50 tỷ, thu về hơn 1000 tỷ đồng

Trả lời đại biểu về công tác bảo tồn di sản Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Công tác trùng tu tôn tạo các di tích được tiến hành thường xuyên, nhìn chung đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, một số di tích làm không đúng với cấp phép hay chưa được cho phép.

Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về tu bổ di tích; giữ gìn tối đa yếu tố cấu thành di tích, lập dự án để phê duyệt. Trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm, yêu cầu khắc phục trả lại nguyên gốc, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân. Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát; xử lý hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn.

Liên quan đến phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Với 8 di sản văn hóa vật thể, chúng ta đã đón 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Thu hơn 2.500 tỷ đồng.

Riêng Vịnh Hạ Long, chúng ta thu 1.100 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Số thu ở cố đô Huế là 320 tỷ, ngân sách 47 tỷ; ở Hội An thu 219 tỷ, ngân sách chỉ đầu tư 17 tỷ.

Đó mới chỉ là riêng tiền bán vé, khách du lịch đến lưu trú, đi lại, tham quan, ăn uống… gấp rất nhiều lần, trong khi chúng ta đầu tư rất ít.

Nếu chúng ta quan tâm đầu tư, coi như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì sẽ thu hồi ngân sách rất nhanh, không bị thua lỗ, không có dự án nào có lãi như thế này. Chúng ta chỉ đầu tư 50 tỷ, thu về hơn 1.000 tỷ. Do vậy lĩnh vực bảo tồn di sản cần được quan tâm, bởi chúng ta vừa bảo tồn được, vừa có nguồn thu rất lớn với ngân sách.

Nợ đọng thuế giảm dần

Mở đầu ngày chất vấn thứ hai, trả lời đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) về giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết mấy năm gần đây đã thu được 82% số nợ đọng. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018 đã thu được hơn 25.000 tỷ đồng thuế nợ đọng. Tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa giảm dần theo các năm, đến  nay còn 7,8%.

Nếu so với các nước ASEAN, tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam khoảng 7,5%, các nước ASEAN khoảng 8,5%.

Tuy nhiên, tổng số nợ thuế vẫn còn lớn, tính đến cuối 9/2018 số thuế còn nợ đọng là 82.961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng. Nguyên nhân nợ thuế chủ yếu số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất  khả năng, giải thế, phá  sản và không hoạt động tai địa chỉ đăng ký... Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang tiến hành phân tích để có giải pháp phù hợp.

Bộ đang triển khai rất nhiều giải pháp, giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Cục thuế, công chức thuế; công khai thông tin người nộp thuế chây ì, nợ đọng thuế; báo cáo Chính phủ sửa đổi Luật thuế.

Về Quỹ phát triển Du lịch, vướng lâu nay là do địa vị pháp lý của quỹ này, Bộ VHTTDL trình là đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên lãnh đạo chỉ đạo là Công ty TNHH Một thành viên, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện lại để trình, sẽ có quyết định trong thời gian tới.

Ngày đầu tiên 63 lượt đại biểu chất vấn, tranh luận

Trước đó, ngày 30/10/2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 36 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 23 lượt đại biểu tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 14 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các nội dung chủ yếu sau:

Kiểm soát nợ nước ngoài; hoàn thiện chính sách thuế; chống thất thu thuế; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương quản lý; phát triển ngành công nghiệp ô tô;

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; quy hoạch và xây dựng công trình thủy điện, bồi thường thiệt hại do xả lũ; cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo; chính sách phát triển nhà ở xã hội; quản lý trật tự xây dựng đô thị;

Ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề; quản lý, sử dụng đất công;

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; biên chế ngành giáo dục, y tế xã, phường, thị trấn; chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển ngành công nghiệp dược; phát triển du lịch; khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội;

Cải cách thủ tục hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kiểm tra hoạt động công vụ;

Công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử; thi hành án hành chính; bồi thường oan sai…