Quốc hội: Hỏi 1 phút, trả lời không quá 3 phút
Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đối với các đại biểu chất vấn và người trả lời chất vấn tại phiên họp sáng 30/10.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Trả lời cần đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực cao của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung đã thực hiện tốt, vẫn còn những nhiệm vụ Quốc hội giao cần có thời gian để triển khai thực hiện,... Phiên chất vấn chính là thể hiện sự giám sát của Quốc hội nhằm chỉ ra những vướng mắc, tồn tại, bàn thảo các giải pháp tháo gỡ, để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Do tính chất của phiên chất vấn là về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn nên các câu hỏi đại biểu đặt ra có nội dung thuộc ngành nào thì người đứng đầu ngành đó trả lời.
Những vấn đề chung thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì Thủ tướng và Phó Thủ tướng trả lời. Riêng nội dung của Bộ TT&TT sẽ do Phó Thủ tướng trả lời. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm các vấn đề vào cuối phiên chất vấn.
Tiếp đó, thay mặt Chính phủ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
55 đơn vị cấp huyện, gần 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Trước hết về kết quả thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, báo cáo nêu rõ: Nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, bảo đảm phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án, cơ chế chính sách, chương trình hành động và tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc để chỉ đạo triển khai.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí, đã ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; phát triển hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nhân rộng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình. Chỉ đạo lập đề án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn.
Công tác chỉ đạo thực hiện chương trình ở địa phương đã có sự chuyển biến về chất, tập trung vào những vấn đề cấp thiết, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống cho người dân, bảo vệ môi trường, phát triển văn hoá.
Năng lực đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp ngày càng được nâng cao. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao.
Công tác thông tin, truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, hướng vào những nội dung trọng tâm của Chương trình và chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” huy động được nhiều nguồn lực của Trung ương, địa phương và xã hội; thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân, cộng đồng.
Đến nay, cả nước có 55 đơn vị cấp huyện và gần 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 14,33/19 tiêu chí/xã, đặt nền móng để năm 2019 hoàn thành tốt mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020.