“Nghẽn” logistics, rau quả giảm sức cạnh tranh
Một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của rau củ quả Việt Nam trên thị trường thế giới là dịch vụ logistics còn kém phát triển và chi phí quá cao. Điều này được xem như “nút thắt cổ chai”, là điểm nghẽn lớn cho của nông sản xuất khẩu hiện nay, nhất là tại “vựa rau quả” của cả nước – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có thể đạt 36 tỷ USD, với 10 nhóm ngành hàng đạt trên 1 tỷ USD.
Ám ảnh chi phí cao
Đây là những con số khả quan đối với ngành nông sản Việt Nam, trong đó có ngành hàng rau quả. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm nay, lần đầu tiên ngành rau quả Việt Nam đạt mức tăng trưởng 45% so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,4 – 3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu gạo mặc dù diện tích trồng chỉ bằng 40%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ mới bằng 1% thị phần rau quả thế giới. Cả nước cũng mới chỉ có khoảng 145 doanh nghiệp tham gia chế biến rau củ quả. Như lưu ý của Bộ trưởng, lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, trong đó hai lĩnh vực yếu là chế biến và tổ chức thị trường. Điều đó đòi hỏi phải tái cơ cấu.
Đồng thời, theo cảnh báo từ giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của rau quả Việt trên thị trường thế giới là chi phí logistics quá cao, khiến rau quả Việt mất đi cơ hội xâm nhập vào thị trường nhiều nước.
Đây cũng là vấn đề trọng tâm được đưa ra mổ xẻ tại Diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp – nông thôn” diễn ra chiều 18/12 ở Đồng Tháp với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong báo cáo mới đây về “Thị trường Logistics Việt Nam 2017”, ngoài nhận định ngành logistics Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng thì StoxPlus có lưu ý rào cản lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng kém phát triển, mạng lưới đường bộ quá tải, làm tăng nguy cơ chậm trễ và sự cố.
Cụ thể, tỷ trọng chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,8%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 15,4%, Thái Lan là 10,7%, trung bình khu vực châu Á – Thái Bình Dương 13,5%, Châu Âu 9,2%, Bắc Mỹ 8,6% và mức trung bình của thế giới là 11,7%.
Khảo sát từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam, đặc biệt là rau quả chiếm đến 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30%. Chính vì chi phí logistics quá cao đã gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của ngành hàng rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Một cán bộ trong ngành công thương đưa ra dẫn chứng như chi phí vận chuyển một số loại nông thủy sản từ ĐBSCL lên biên giới phía Bắc còn cao hơn từ… Ecuador về Việt Nam. Thực tế là logistics mới chỉ tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, trong khi tại nhiều nơi như ĐBSCL được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.
Giới chuyên gia khuyến nghị cần điều chỉnh lại quy hoạch vùng ĐBSCL, đặc biệt là với logisctics, cần có những nghiên cứu cơ bản về vùng và xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học vùng (tài nguyên đất, nước, rừng, biển, hạ tầng giao thông…) để làm nền tảng phân tiểu vùng và liên kết vùng, kết nối không gian phát triển và sản xuất, từ kết nối sản xuất đến tiêu thụ; kết nối thị trường, doanh nghiệp cho ngành rau quả.
Chính vì vậy, qua trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả đều cho rằng logistics phải là một thành tố quan trọng hỗ trợ gia tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường toàn cầu cho ngành rau củ quả Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng ngày 18/12, thông tin đưa ra từ Hội nghị Logistics lĩnh vực giao thông vận tải khu vực ĐBSCL năm 2017 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cho thấy hệ thống logistics của vùng ĐBSCL còn yếu kém, hầu như chưa hình thành mà mới chỉ là các khu kho bãi của các đại lý với quy mô nhỏ lẻ, quản lý khai thác đơn giản. Hơn nữa, gần 80% hàng hóa của vùng vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng Đông Nam Bộ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết vùng ĐBSCL có 4 phương thức vận tải là đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không, nhưng liên kết vùng cũng chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế.
Trong khuôn khổ diễn đàn lần này, xác định Đồng Tháp như một địa phương chủ lực về ngành hàng rau quả ở ĐBSCL và có phong trào khởi nghiệp nông nghiệp lớn nhất trong vùng, một liên danh gồm 3 nhà đầu tư đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh này cùng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ nhằm tài trợ cho hoạt động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng.
Theo đó, các nhà đầu tư này sẽ hỗ trợ địa phương trong việc xác định tổng vốn đầu tư dựa trên quy hoạch phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng, đồng thời xúc tiến đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, đô thị, logistics.
Ngoài ra, còn có 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang quan tâm đầu tư vào dự án xuất khẩu nông sản đi các thị trường quốc tế như: Mỹ, Nhật, EU… Trong đó có một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nông sản, như: Global Food Importers (Mỹ), Ota Floriculture Auction Co.,Ltd (Nhật Bản) và Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation (Hàn Quốc).
Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ cùng với một doanh nghiệp của Việt Nam và đối tác thương mại Greenland Business Group (với thế mạnh về xuất nhập khẩu nông sản hàng đầu tại Trung Quốc và khu vực châu Á – Thái Bình Dương) còn ký kết một thỏa thuận nhằm thúc đẩy việc nhập khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam đầu tiên vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu USD trong hai năm đầu tiên và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo.