Nghị định 87: Kỳ vọng thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa của ngành Hải quan

PV.

(Tài chính) Nghị định số 87/2012/NĐ-CP (Nghị định 87) vừa được Chính phủ vừa ban hành, quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nghị định 87 được kỳ vọng thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa của ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới. Việc triển khai Nghị định 87 vừa là cơ hội cũng như thách thức, yêu cầu ngành Hải quan gấp rút triển khai, sớm đi vào cuộc sống.

Theo ông Trần Quốc Định-Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), Nghị định 87 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan, chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử. Thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo đúng nghĩa tự động hóa, khi đó các khâu tiếp nhận, kiểm tra, phân luồng tờ khai sẽ được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Nghị định 87 có nhiều nội dung quy định các cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan điện tửbao gồm các quy trình thủ tục, quyền và nghĩa vụ trách nhiệm mỗi bên tham gia thủ tục hải quan điện tử... doanh nghiệp sẽ được quyền khai thủ tục hải quan 24/7 thay vì trong giờ hành chính như trước kia.

Điểm đáng lưu ý nữa là, Nghị định 87 quy định cụ thể về việc sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Quy định việc doanh nghiệp có trách nhiệm sử dụng chữ kí số khi thực hiện các thủ tục khai báo với cơ quan Hải quan. 

Trước đây, việc sử dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử được quy định tại Thông tư 222/2009/TT-BTC, nhưng chưa nêu cụ thể thế nào là chữ ký số hợp lệ, phạm vi hiệu lực của chữ ký số đã đăng ký với cơ quan hải quan…Đây là quy định mới, hoàn toàn phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.

Ông Trần Quốc Định cho hay, áp dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hải quan điện tửsẽ góp phần tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp và đảm bảo quản lý của cơ quan hải quan, tận dụng được thế mạnh của phương thức giao dịch điện tử. Chữ ký số sẽ giúp cho các bên giao dịch tin tưởng vào tính xác thực của dữ liệu khai báo, chống chối bỏ, đảm bảo căn cứ pháp lý.  Thực hiện chữ ký số, cơ quan hải quan sẽ chấp nhận các dữ liệu khai báo bằng dữ liệu điện tử mà không yêu cầu phải nộp các hồ sơ giấy. Hồ sơ giấy chỉ phải nộp trong trường hợp cơ quan hải quan cần kiểm tra chi tiết các thông tin về lô hàng hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.  Điều này sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các hồ sơ, chứng từ giấy mà doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Trong quá trình triển khai thí điểm, hiện tại Tổng cục Hải quan đã áp dụng chữ ký số với gần 1.000 DN. 2 phía đã tích lũy được kinh nghiệm để triển khai chính thức.  

Về phía doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về quy định áp dụng chữ kỹ số trong thủ tục hải quan điện tử trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 87 về thủ tục hải quan điện tử (sắp được ban hành). Doanh nghiệp cần trang bị chữ ký số của nhà cung cấp dịch vụ được nhà nước cấp phép.

Chỉ còn tháng nữa Nghị định 87 sẽ có hiệu lực, ngành Hải quan đã và đang có những bước đi, gấp rút triển khai. Hiện nay Tổng cục Hải quan đã triển khai tập huấn cho các đơn vị hải quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử tại các tỉnh, thành phố; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Nhanh chóng cần thiết lập các hệ thống kết nối tiếp nhận chữ ký số xác thực, phản hồi kết quả cho.  Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu đề xuất Bộ Tài chính quy định lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử áp dụng chữ ký số. Để việc triển khai Nghị định 87 , được biết, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn, thay thế Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử năm 2009.