Giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thêm thời gian nâng cao tính chuyên nghiệp

Hoa Sơn

Việc cho phép tạm ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023 sẽ có ý nghĩa để thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có thêm thời gian nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.
Doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều về các nghị định về chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Một trong những điểm đáng chú ý là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép tạm ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023 như: Ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; Ngưng các quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; Ngưng về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu.

Chia sẻ về lo ngại việc cho phép ngưng hiệu lực một số quy định có thể ảnh hưởng tới chất lượng phát triển của thị trường TPDN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với vấn đề này, khi xây dựng nghị định, Bộ Tài chính cũng đã cùng với các bộ, ngành liên quan báo cáo với Chính phủ rất kỹ lưỡng.

Theo đó, bên cạnh việc tạm thời cho ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành thì doanh nghiệp khi phát hành ra thị trường vẫn phải tuân thủ các quy định khác có liên quan. Doanh nghiệp phải công bố thông tin cho các nhà đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch, trong đó có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng vẫn cần phải thực hiện các quy định khác tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP như: Nhà đầu tư phải hiểu về doanh nghiệp, phải hiểu các rủi ro có liên quan khi tham gia đầu tư và ký cam kết chấp nhận tất cả rủi ro phát sinh (nếu có).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hiện nay, chúng ta mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép trong nước để thực hiện định giá xếp hạng tín nhiệm, cho nên việc tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.

Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, điều này là cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, DN phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực…

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cũng cho rằng, việc một số quy định trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được giãn thời gian thực hiện sẽ có ý nghĩa để thị trường có thêm thời gian nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Việc chỉ gia hạn thay vì xoá bỏ các chính sách này cho thấy Chính phủ vẫn kiên định hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững thị trường TPDN phát hành theo phương thức riêng lẻ.

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, cần cẩn trọng với việc này nhằm giảm thiểu tình trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia theo phong trào, không có khả năng phân tích từng mã trái phiếu nhưng vẫn đổ tiền vào. Về lâu dài, điều quan trọng nhất là cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên cơ sở một thị trường TPDN minh bạch, rõ ràng, có trách nhiệm.