Nghị định số 138/2024/NĐ-CP: Thể hiện sự chủ động, quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế

Lý Tuấn

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Lê Bá Chí Nhân - Chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, Nghị định số 138/2024 NĐ-CP được ban hành trong thời điểm hiện nay là rất phù hợp, sớm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế liên quan đến sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trong việc thực hiện các hạng mục, công trình, dự án đầu tư công.

Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng NSNN cho mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng tại nhiều địa phương trong thời gian qua?

TS. Lê Bá Chí Nhân: Trước khi Nghị định số 138/2024 NĐ-CP được ban hành, có thể thấy, nhiều quy định còn chưa thật sự rõ ràng, còn chồng chéo gây ra nhiều bất cập tại các địa phương khi áp dụng thực thi, ảnh hưởng đến việc sử dụng NSNN cho mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình đầu tư công.

TS. Lê Bá Chí Nhân - Chuyên gia kinh tế cao cấp. Ảnh: NVCC
TS. Lê Bá Chí Nhân - Chuyên gia kinh tế cao cấp. Ảnh: NVCC

Đơn cử như Luật Đầu tư công (khoản 1, Điều 6) quy định về tính chất của dự án đầu tư công, có thể hiểu rằng, toàn bộ các dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hay mua sắm tài sản, sửa chữa… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật NSNN và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

Hay tại Điều 6 Luật Đầu tư công quy định là xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản công... đều đưa vào Luật Đầu tư công. Trong khi, Luật NSNN và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy.

Lấy ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua nhiều công trình trọng điểm đầu tư công vẫn đang còn tắc nghẽn chưa thể giải quyết, trong đó, nguyên nhân chính là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, thậm chí chậm hơn rất nhiều so với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Vấn đề này cũng liên quan rất lớn đến việc sử dụng NSNN đối với nhiều hạng mục, công trình khác trên địa bàn Thành phố nói riêng và nhiều tỉnh thành khác nói chung.

Mặt khác, do sự chồng chéo của các quy định dẫn đến một số cơ quan, ban ngành địa phương còn ngần ngại trong việc bố trí ngân sách sao cho phù hợp, dẫn đến nhiều hạng mục công trình cần cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới... bị kéo dài thời gian gây tổn thất, phát sinh các chi phí khác trong quá trình thực hiện.

Cống ngăn triều Phú Xuân, một phần dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Chí Nhân
Cống ngăn triều Phú Xuân, một phần dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Chí Nhân

Phóng viên: Vậy, việc Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ mới đây có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong việc tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế tại nhiều địa phương hiện nay, thưa ông?

TS. Lê Bá Chí Nhân: Việc Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được ban hành trong thời điểm hiện nay là rất phù hợp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang tồn đọng tại nhiều địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế trong mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, các quy định của Nghị định này sẽ góp phần tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên nhằm thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, cũng như chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Nghị định số 138/2024 NĐ-CP ban hành cũng sẽ sớm giải quyết những vấn đề bất cập liên quan đến đầu tư công, từ đó, rút ngắn được thời gian thực hiện các dự án đầu tư công, đồng thời, đảm bảo được tính hiệu quả trong việc thay đổi các thể chế, tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo trong chi ngân sách đầu tư công và chi thường xuyên, khơi thông các nguồn lực trong và ngoài nước, đây cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển trong thời gian tới.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Bộ Tài chính trong nhiều năm qua đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP?

TS. Lê Bá Chí Nhân: Để Nghị định số 138/2024/NĐ-CP sớm được thông qua và ban hành, tôi đánh giá những đóng góp của Bộ Tài chính là rất lớn. Việc khẩn trương lấy ý kiến, không ngừng xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định này thể hiện rõ sự chủ động, quyết tâm của người đứng đầu ngành Tài chính - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói riêng và Bộ Tài chính nói chung trong việc tháo gỡ một cách nhanh nhất "điểm nghẽn" về thể chế, đặc biệt giải quyết được các vấn đề chồng chéo trong chi ngân sách cho đầu tư công và chi thường xuyên bị kéo dài.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sử dụng NSNN cho việc mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng trình Chính phủ thông qua việc tập trung tổng hợp những ý kiến phản ánh của các đại biểu Quốc hội, của các bộ, ngành và địa phương gặp phải trong suốt thời gian qua.

Dù vậy, trong thời tới, Bộ Tài chính cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, bộ, ngành liên quan đến Nghị định, bởi việc thực thi Nghị định số 138/2024 NĐ-CP có thật sự hiệu quả và lâu dài vẫn cần thời gian dài để đánh giá, từ đó sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với từng trường hợp, từng giai đoạn phát triển của Đất nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!