Điểm nghẽn thể chế đầu tiên được gỡ bỏ
Những nỗ lực của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trong một năm sau cuộc tranh luận ở Quốc hội sẽ tháo bung điểm nghẽn thể chế giữa hai luật để nguồn lực nhà nước sử dụng hiệu quả.
Tôi vẫn nhớ như in nét mặt của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trong cuộc tranh luận gay gắt, thẳng thắn về những vướng mắc của hai Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tháng 11/2023.
Sau nhiều tranh luận mà chưa rõ hồi kết, ông giơ tay mấy lần xin phát biểu thêm nhưng không được chấp nhận, nên lại ngồi xuống với nét mặt ưu tư, rất khó mô tả bằng lời, tay gõ gõ xuống bàn.
Có lẽ, ông vẫn còn nhiều tâm tư muốn giải trình trước áp lực rộng khắp, dồn về ông với tư cách người nắm tay hòm chìa khóa quốc gia ở Quốc hội hôm đó?
Cũng phải thôi. Những quy định không rõ ràng trong sử dụng tài chính công giữa Luật Đầu tư công và Luật NSNN đã trở thành một điểm nghẽn kéo dài, làm tê liệt nhiều hoạt động ở nhiều bộ, ngành và địa phương trong bối cảnh tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã trở thành vấn đề nóng bỏng.
Nút thắt kéo dài nhiều năm
Xin sơ lược giới thiệu lại sự mâu thuẫn về thể chế này.
Luật Đầu tư công (khoản 1, Điều 6) quy định về tính chất của dự án đầu tư công, tạo ra cách hiểu rằng, toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật NSNN và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.
Bên cạnh đó, Điều 6 Luật Đầu tư công quy định là xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản công... đều đưa vào Luật Đầu tư công.
Luật Đầu tư công được xác định kế hoạch đầu tư công trung hạn và đầu tư công hàng năm. Những chương trình, dự án và các nguồn kinh phí không được đưa vào Luật Đầu tư công mặc dù vẫn là chi từ nguồn NSNN "sẽ sai quy định".
Trong khi đó, Luật NSNN và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy.
Sự mâu thuẫn giữa hai luật, như mô tả trên, đã làm nghẽn nhiều hoạt động ở nhiều cơ quan nhà nước.
Tranh luận ở Quốc hội hôm đó, ông Phớc nói kể: “Tôi đi Đức, tôi sang Đại sứ quán Đức không có hàng rào, tôi hỏi Đại sứ tại sao không làm hàng rào, họ nói là điện về Bộ Ngoại giao bảo (thì được trả lời) là Luật Đầu tư công không bố trí vào trung hạn cho nên không làm được hàng rào. Đấy là sự thật.”.
Ông nói tiếp: “Để giải quyết những vướng mắc này, vừa qua Bộ Tài chính đã 3 lần trình. Một lần trình với Chính phủ nhưng chưa có sự đồng thuận cao nên (Chính phủ) chưa trình Thường vụ Quốc hội. Còn 2 lần chúng tôi đã trình theo đúng thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ra Thường vụ Quốc hội nhưng cũng chưa được trình ra Quốc hội...”.
Những vướng mắc, chồng chéo trong chi ngân sách cho đầu tư công và chi thường xuyên kéo dài như vậy đã được Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) và các đại biểu khác miệt mài nêu trong nhiều kỳ họp.
“Thưa Quốc hội, đây là ý kiến không phải chỉ của cá nhân tôi mà là ý kiến của nhiều lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành…. Chắc chắn rằng, cho đến lúc này hầu hết đều đang vướng chuyện này. Như tôi đã nói nhiều lần, đây là một trong những ví dụ cụ thể trong việc nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm những việc cần phải làm”, ông Hậu nói hôm đó.
Tháo bung ra
Gần một năm sau cuộc thảo luận gay gắt ở Quốc hội, hôm 24/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP để khẳng định: việc lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên NSNN quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật NSNN.
Theo đó, việc mua sắm tài sản, trang thiết bị thì theo theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng thì theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Hay nói cách khác, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức có thể dùng vốn chi thường xuyên để xây hàng rào, thay vì phải xếp hàng tới 3 năm để khoản chi này được lọt vào danh sách đầu tư công trung hạn, ba năm được xem xét một lần.
Đây là nỗ lực miệt mài của ông Phớc và nhiều cán bộ khác ở Bộ Tài chính nhằm sửa, tháo bung điểm nghẽn thể chế, mà số các cơ quan hưởng lợi là cực lớn, bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập; và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị và cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đầu tư xây dựng.
Ngành đầu tư cũng có cái lý
Nhân tiện đây, cũng xin nêu lại “cái lý” của Luật Đầu tư công.
Cách đây hơn một thập kỷ, tình trạng “nghiện” đầu tư công nở rộng ở khắp các bộ, ngành và địa phương. Phân cấp quá rộng đã dẫn đến tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, vượt khả năng cân đối vốn NSNN và trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, các dự án thi công quá dài, hiệu quả kém, phân tán nguồn lực đã không đáp ứng được yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Vì vậy, Chính phủ nhiệm kỳ đó đã ban hành Chỉ thị 1792 về đầu tư công, sau đó Luật Đầu tư công được ra đời với nhiều quy định, giúp lành mạnh hóa tình trạng đầu tư bùng nổ, dàn trải, manh mún mà không mấy ai chịu trách nhiệm.
Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được xem xét sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc mua sắm toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa… sẽ được thiết kế để tuân thủ theo luật chuyên ngành.
Như vậy là một điểm nghẽn đã được rút chốt, khơi thông sau một thời gian rất dài, nhờ áp lực mà Bộ trưởng Tài chính, nay là Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc từng chịu hôm chất vấn đó. Ông Phớc, kỳ lạ thay, không phụ trách lĩnh vực đầu tư.
Khởi lên cảm hứng về thể chế dung hợp
Dù vậy, xin nêu thêm một chuyện đang tạo hưng phấn cho xã hội. Ngay trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vào ngày 21/10, Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có 2 bài phát biểu đặc biệt quan trọng, trong đó đều thống nhất một tư tưởng chỉ đạo - đó là yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý, vừa khơi thông nguồn lực cho phát triển trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam.
Chỉ đạo đó phải là mệnh lệnh, là kim chỉ nam để không những tháo gỡ hàng núi điểm nghẽn thể chế hiện tại, mà còn khơi thông cho việc xây dựng thể chế tới đây để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Điễm nghẽn thể chế đầu tiên đã được gỡ bỏ mang lại hy vọng cho những điểm nghẽn tiếp theo.