Nghị định số 52/2021/NĐ-CP: "Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong khó khăn
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN), chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuế đất năm 2021 đã góp phần tạo ra cơ cấu dòng tiền và năng lực cho DN trong việc cầm cự trong thời gian tạm ngừng sản xuất, kinh doanh...
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai. Chính sách gia hạn nộp thuế cũng không làm giảm thu ngân sách nhà nước và phù hợp thẩm quyền của Chính phủ mà Luật Quản lý thuế đã quy định (việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định).
Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN phải lường trước được, phải chuẩn bị dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Khi xây dựng Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, cơ quan soạn thảo đã có thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn cục tất cả vào tháng 12. Đây chính là sự giảm tải tập trung thanh toán tại một thời điểm, giúp người nộp thuế chủ động hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà lấy ví dụ như: thuế GTGT của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng, thì tháng 9 sẽ phải nộp thuế; thuế GTGT tháng 4 được gia hạn đến tháng 10 nộp thuế…; hoặc như tiền thuê đất, nếu tiền thuê đất đợt một phải nộp vào ngân sách nhà nước vào ngày 31/5 thì được gia hạn 6 tháng, đến 31/11 doanh nghiệp mới phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Bên cạnh đó, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế sẽ làm căn cứ để xác định mình thuộc nhóm đối tượng nào để áp dụng. Đồng thời, được thiết kế theo hình thức một giấy đề nghị gia hạn nộp thuế sẽ áp dụng cho nhiều mục đích, như áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp một kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ.
Ngành Thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin nội bộ, người nộp thuế không phải gửi tờ giấy đề nghị đến nhiều cơ quan thuế khác nhau. “Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế có tính chất pháp lý, có hiệu lực để áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế”, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, để các chính sách đi vào cuộc sống nhiều hơn, Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội và các chuyên gia. Đồng thời, cơ quan thuế đã và đang tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp sẽ tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của Ngành, tuyên truyền qua các kênh thông tin của mạng xã hội, gửi email đến người nộp thuế... Đặc biệt, từ năm 2020, ngành Thuế đã đẩy mạnh giao tiếp với cơ quan thuế qua hình thức điện tử trong chiến dịch chung của Chính phủ là thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tính đến nay, việc các cá nhân, hộ gia đình thực hiện các thủ tục thuế qua phương thức điện tử đã có sự thay đổi rõ rệt, dù rằng hiện vẫn chưa thể như thực hiện với các DN. Cơ quan thuế thường khuyến nghị người nộp thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục thuế điện tử thay vì đến cơ quan thuế.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tác động của các chính sách hỗ trợ đối với DN để vượt qua khủng hoảng, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất đã được các DN đánh giá là dễ dàng tiếp cận nhất so với các chính sách khác như vay vốn, lãi suất không đồng, bảo hiểm…
Đồng thời, đa số DN cho rằng, chính sách giãn, hoãn có nhiều tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của DN, tạo ra cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cho DN trong việc cầm cự trong thời gian tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, là "phao cứu sinh” cho DN trong khó khăn .
Tính đến hết tháng 5/2021, số tiền gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là 10.600 tỷ đồng, thuế TNDN là 6.000 tỷ đồng, tiền thuê đất là 4.100 tỷ đồng thuế GTGT và TNCN của hộ kinh doanh là 300 tỷ đồng.