Nghị định số 93/2021/NĐ-CP: Minh bạch nguồn tiền từ thiện

Theo Gia Nguyễn/diendandoanhnghiep.vn

Vá những “lỗ hổng” của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ra đời được cho là hành lang pháp lý đưa từ thiện về đúng thực chất sau những “ồn ào” của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng…

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng mà Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định khá chi tiết, cụ thể. Nguồn: Internet
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng mà Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định khá chi tiết, cụ thể. Nguồn: Internet

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (Nghị định 64) của Chính phủ được đánh giá đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn hiện nay, Nghị định này đã bắt đầu bộc lộ một số bất cập, cần sửa đổi.

Thực tế, mùa bão lũ cuối 2020 đã xuất hiện những bất cập nhất định khi so sánh, đối chiếu với quy định pháp luật, đó là, công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, Nghị định số 50/2020/NĐ-CP và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP.

Cùng với đó, việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng nên gây mất đoàn kết trong dân, người làm cứu trợ bị dèm pha, thậm chí bắt đầu xuất hiện hiện tượng lợi dụng cứu trợ để trục lợi... có thể kể đến hàng loạt vụ ồn ào làm từ thiện thời gian vừa qua của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Thủy Tiên...

Trước những bất cập, tồn tại đã nêu, ngày 27/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP (Nghị định 93) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12 tới và sẽ thay thế cho Nghị định 64.

Theo các chuyên gia, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng mà Nghị định 93 quy định khá chi tiết, cụ thể. Bên cạnh các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan, ban ngành, các cơ quan thông tin đại chúng... được vận động, tiếp nhận từ thiện như trước đây, Chính phủ cũng khuyến khích tất cả các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo tinh thần đoàn kết, tương thân, tương áí.

Tuy nhiên, việc vận động phải theo nguyên tắc tự nguyện, không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp, việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng. Đồng thời, nghiêm cấm việc báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật, việc chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian và trục lợi cá nhân.

Đáng nói, tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện… trong đó, cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ…

Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN đánh giá, mặc dù Việt Nam đã đạt ngưỡng phát triển trung bình nhưng vẫn còn nhiều người nghèo cần hỗ trợ, cộng với đặc thù địa lý khiến cho Việt Nam luôn đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, do đó, công tác cứu trợ từ thiện, nhân đạo vẫn là hoạt động phổ biến và luôn được quan tâm, Nghị định số 93 ra đời đã cụ thể hóa được thực tiễn hiện nay, khắc phục được những “lỗ hổng” mà Nghị định 64 chưa giải quyết được, tạo hành lang pháp lý đưa từ thiện về đúng bản chất.

Theo Luật sư Hiệp, Nghị định số 93 đã mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân, tăng cường sự chuyên nghiệp, minh bạch đảm hiệu quả, an toàn trong thực hiện, tránh được những “ồn ào” như các vụ việc của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng thời gian vừa qua thể hiện tại các Điều 17, 18, 19 của Mục 2 Nghị định.

Bên cạnh đó, Luật sư Hiệp cũng góp ý, với trường hợp cá nhân quyên góp làm từ thiện nhưng họ không công khai trên Facebook cá nhân hay các phương tiện truyền thông đại chúng, họ chỉ quyên góp của những người quen hay những người thân quen ủy thác cho cá nhân đi làm từ thiện, trao cho một địa phương, một cá nhân nào đó thì Nghị định cũng cần quy định rõ không cần thiết phải thông báo công khai hay báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước địa phương.

“Bởi trường hợp này là quan hệ dân sự thuần túy, người làm từ thiện và những người đóng góp là người quen biết, đã có thỏa thuận dân sự nên không cần công khai”, Luật sư Hiệp chia sẻ.