Nghị quyết 13/NQ-CP: Gói giải pháp đồng bộ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

TS. Nguyễn Minh Phong

TCTC Online - Sau giai đoạn nền kinh tế phải chịu nhiều sức ép về thắt chặt tiền tệ, tài khoá để chống lạm phát, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/05/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường là cứu cánh với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Việc Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư 83/2012/ TT-BTC ngày 23/5/2012 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 13/NQ - CP, chắc chắn sẽ là cú hích cho các doanh nghiệp trụ vững, phát triển.

Bức tranh kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đầu năm 2012

Sau năm 2011 có nhiều biến động bất lợi, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2012 đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Về kiềm chế lạm phát, CPI tính hết tháng 5/2012 chỉ tăng 2,78% so với tháng 12/2011 và tăng 10,62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp CPI tăng chậm lại so với tháng 12/2010. Về giảm nhập siêu, trong 5 tháng đầu năm 2012, tổng nhập siêu chỉ khoảng 622 triệu USD, mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Hàng loạt chỉ tiêu kinh tế có kết quả tích cực như: Việc đấu thấu trái phiếu Chính phủ cũng khả quan hơn nhiều so với năm trước, khai thác dầu thô tăng khá, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối có nhiều điểm cải thiện...

Tuy nhiên, bên cạnh thành công đó, nền kinh tế cũng xuất hiện một số dấu hiệu bất ổn: Trong quý I, tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 4%, trong đó GDP công nghiệp chỉ tăng 2,94%, xấp xỉ mức tăng của nông nghiệp (2,84%). Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến 1/4/2012 đã tăng 32,1%, trong đó chế biến và bảo quản rau quả tăng 80,6%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 71,9%; sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 68,1%; sản xuất sắt, thép tăng 53,4%. Doanh thu bán hàng hoá dịch vụ giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011...

Ẩn sau những con số nêu trên là sự khó khăn của cộng đồng DN trên phạm vi cả nước. Tình trạng DN trong nhiều lĩnh vực kinh doanh bị thua lỗ, nợ nần, phải thu hẹp sản xuất-kinh doanh, hàng tồn kho lớn, thị trường xuất khẩu gặp khó trong khi sức mua và thị phần nội địa bị thu hẹp... đã kéo theo nhiều hệ lụy với kinh tế-xã hội. Mối lo nợ đọng và phá sản gia tăng ở mọi ngành và mọi loại hình DN, dù là “đại gia”, hay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhất là trong một số ngành kinh doanh như bất động sản (BĐS), thép và chế biến thủy sản. Không ít DN chuyển từ sản xuất sang làm thương mại, nhập hàng bán ở nội địa, lúng túng và không đủ nguồn lực tái cấu trúc theo chiều sâu như kêu gọi của Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt…

Nếu tình hình sản xuất, kinh doanh và thị trường không được cải thiện, chỉ đến cuối quý II/2012, làn sóng DN phá sản sẽ tất yếu xảy ra. Nguy cơ sụt giảm mạnh động lực tăng trưởng, thậm chí đứt gẫy các chuỗi giá trị gia tăng trong guồng máy tái sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm DN và thị trường Việt Nam trở nên hiện hữu nếu các cấp quản lý không có giải pháp gỡ khó. Trước bối cảnh đó, ngày 10/05/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư 83/2012/TT-BTC ngày 23/5/2012, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, đã tạo ra động lực vượt khó mới cho cộng đồng DN.

Những điểm nhấn trong Nghị quyết 13/NQ-CP

Về cơ bản Nghị quyết 13/NQ-CP đã đáp ứng nhu cầu của DN và phù hợp với xu hướng thế giới chuyển dần từ chính sách vĩ mô có tính chất “thắt lưng buộc bụng" sang "kích thích tăng trưởng", với những điểm nhấn đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết đưa ra các giải pháp có tính toàn diện và khá đồng bộ, tập trung giảm tải 3 gánh nặng cho DN.

- Giảm gánh nặng tài chính và bổ sung vốn dự án đầu tư: Thực hiện quyền hạn của mình trong khuôn khổ phân cấp hiện hành, Chính phủ quyết định giảm gánh nặng tài chính cho DN qua việc: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý II/2012 đối với DNNVV, sử dụng nhiều lao động đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong một số lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; Gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN); Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính…

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân các dự án, chương trình đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia; huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn; cho phép mua sắm theo quy định bằng khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn và được chuyển sang năm 2012.

- Giảm gánh nặng lãi suất và cơ cấu lại nợ: Trong khi yêu cầu sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát; ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; DNNVV; DN sản xuất hàng xuất khẩu; DN công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cấu trúc ngân hàng thương mại, kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém, hoạt động kém hiệu quả bằng các biện pháp phù hợp nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật, ổn định hệ thống và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân gửi tiền và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

- Giảm gánh nặng thể chế và tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại: tiếp tục sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực; phấn đấu giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và DN, rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng, đẩy mạnh triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan; chủ động tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ một cách chuyên nghiệp, hiệu quả; đồng thời, chủ trương sớm ký các hiệp định thương mại với các đối tác, mở rộng thị trường có tiềm năng.

Thứ hai, Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể và đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp ngành, đơn vị quản lý nhà nước.

Để bảo đảm mục tiêu và hiệu quả chính sách chung, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chủ động bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết 13/NQ-CP, cũng như theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012.

Đồng thời, Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công; bảo đảm bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; tổng hợp, báo cáo Chính phủ tình hình, kết quả triển khai thực hiện tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng và tháng 12/2012.

Thứ ba, Nghị quyết khẳng định và đòi hỏi sự nhất quán và hài hòa mục tiêu trong điều hành của Chính phủ.

Khác với các gói kích cầu trước đây, Nghị quyết 13/NQ-CP chủ yếu nghiêng về “cho chính sách” chứ không nặng về tung tiền “giải cứu” DN. Việc tháo gỡ khó khăn bởi vậy không chỉ ở đầu vào, mà cả ở đầu ra, không chỉ ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà cả thúc đẩy tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ thị trường. Việc hỗ trợ không có tính tràn lan, mà đòi hỏi phải đúng đối tượng. Các đối tượng tiếp nhận chính sách không chỉ bao gồm DN, mà còn cả làng nghề, hộ cá thể; không chỉ các thành phần kinh tế trong nước, mà còn cả đầu tư từ nước ngoài; đặc biệt ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó chú trọng thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn và công nghệ cao.

Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho DN, Nghị quyết 13/NQ-CP cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón,…

Điều cần nhấn mạnh là mục tiêu ưu tiên và xuyên suốt của Nghị quyết 13/NQ-CP là tiếp tục nhất quán thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã đề ra; hướng vào trọng tâm ưu tiên hài hoà các mục tiêu kinh tế với xã hội; tăng trưởng với kiềm chế lạm phát; giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho DN với đảm bảo khả năng cân đối ngân sách; sự ổn định khu vực DN và ngân hàng với ổn định kinh tế vĩ mô, yêu cầu hoàn thiện cơ chế theo nguyên tắc thị trường; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế; Hỗ trợ đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của DN, đồng thời góp phần định huớng và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, cũng như quá trình tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với lợi thế cạnh tranh, quy hoạch, triển vọng phát triển ngành của Chính phủ đã nêu...

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trong Nghị quyết 13/ND-CP nói riêng và trong quản lý nhà nước nói chung, vẫn cần bổ sung, hoàn thiện những giải pháp, chính sách liên quan, mang tính đột phá và mạnh mẽ hơn, như áp lại trần lãi suất cho vay bám sát trần lãi suất huy động không quá 3%; tăng cường sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc và mua bảo hiểm tiền gửi tùy theo quy mô và tính chất tín dụng của ngân hàng; tăng mức bảo hiểm tiền gửi (ví dụ, lên tối thiểu 500 triệu đồng, thay cho mức 50 triệu đồng hiện nay) nhằm bảo vệ lợi ích và củng cố lòng tin người gửi tiền, giảm thiểu nguy cơ giảm sút và rút tiền gửi khỏi ngân hàng; miễn giảm nhiều hơn mức thuế các loại. Đặc biệt, cần giảm tải nhiều hơn gánh nặng thể chế cho DN và xã hội thông qua nhiều đột phá cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa về phân cấp và trách nhiệm cá nhân trong quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục và gia tăng các chế tài trừng phạt các hành vi nhũng nhiễu làm tăng các chi phí trung gian, phi chính thức cho DN và người dân. Ngoài ra, cũng cần xác định rõ tiêu chí (với mức ưu tiên các DN tùy thuộc vào hợp đồng tiêu thụ, kết quả nộp thuế và trả nợ ngân hàng...) và cách thức cụ thể để các DN tiếp cận được với các trợ giúp một cách rõ ràng và đầy đủ hơn, giảm thiểu tình trạng thiếu công bằng, lạm dụng cơ chế xin - cho và tham nhũng có thể xẩy ra...

Các biện pháp mà Nghị quyết 13/NQ-CP đề ra có tính toàn diện và đồng bộ, bao quát cả xây dựng, triển khai, giám sát và điều chỉnh chính sách; tác động tích cực đến cả đầu vào và đầu ra cho DN; đề cao sự phối hợp giữa chính sách tài chính - chính sách tiền tệ và giữa các ngành, các cấp quản lý, giữa Trung ương và địa phương. Quy mô của gói hỗ trợ về vật chất là chưa lớn, nhưng ghi nhận sự linh hoạt, kịp thời, trách nhiệm, sự chia sẻ, phối hợp trong quản lý nhà nước với DN, giúp cho sản xuất kinh doanh và thị trường giảm bớt gánh nặng tài chính, lãi suất, thể chế để thêm sức mạnh và động lực vượt qua khó khăn và phát triển ổn định, bền vững hơn…