Nghị quyết 19 rất khác biệt
Sau 4 năm ban hành và đưa vào thực hiện, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đã đạt được những thành công đáng kể.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những chuyển động tốt hơn, với những cải thiện rõ hơn. Với tiềm năng và dư địa lớn hiện nay, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu tin rằng, Nghị quyết 19 sẽ ngày càng tạo ra được nhiều làn sóng đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ hơn.
Thiết thực và hiệu quả
Qua 4 năm triển khai và thực hiện, ông đánh giá thế nào về vai trò và tầm quan trọng của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nước ta?
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. |
Theo ông, kinh nghiệm và bài học rút ra qua những lần ban hành Nghị quyết 19 là gì?
Thực tế là sau nhiều lần thay đổi, có một điều không thay đổi và rất kiên định đó là mục tiêu chỉ số năng lực cạnh tranh bằng mức trung bình của ASEAN4. Tuy nhiên, xét tổng thể về mặt nội dung, Nghị quyết có sự thay đổi quan trọng nhất ở nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành ngày càng toàn diện, đầy đủ và cụ thể hơn với những giải pháp mang tính hệ thống và bao trùm.
Còn ở mức độ chi tiết và thực tiễn, nếu như các nghị quyết trước đây chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các bộ, ngành phải đẩy mạnh và tăng cường, chịu trách nhiệm thì Nghị quyết 19 chi tiết hơn bằng việc giao từng bộ phải làm gì, phải cải thiện như thế nào và mục tiêu cụ thể ra sao… Điều quan trọng nữa là trách nhiệm và chế tài với người chịu trách nhiệm cũng được chỉ rõ, gắn chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm về tổ chức cải cách, đề cao kỷ luật, kỷ cương.
Một điểm nữa, trước đây khi nghị quyết nào được ban hành thì các cơ quan tổ chức phải tự tìm hiểu, tuy nhiên với Nghị quyết 19, công tác tuyên truyền phổ biến đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là sự hỗ trợ chuyên môn của nhóm chuyên gia thường trực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không chỉ theo dõi đôn đốc nhắc nhở mà còn giúp nâng cao nhận thức, làm việc với các bộ, ngành để phân tích, đánh giá và tìm ra giải pháp tư vấn về chuyên môn, giúp các bộ, ngành thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết.
Đặt mục tiêu với ngành du lịch, logistics
Ông đánh giá thế nào về những điểm mới trong mục tiêu của Nghị quyết 19/2018?
Về cơ bản, Nghị quyết 19/2018 vẫn giữ mục tiêu như Nghị quyết 2017, bởi tuy chúng ta có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra, chất lượng chỉ số môi trường kinh doanh vẫn chưa bằng mức trung bình của 4 nước ASEAN, do đó Nghị quyết 19 vẫn tiếp tục những mục tiêu này.
Điểm mới ở đây là tập trung vào những chỉ số trong những năm qua chưa đạt hoặc chưa tăng hạng, chậm cải thiện hoặc chưa cải thiện như khởi sự doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng. Bên cạnh đó, cũng mở rộng phạm vi cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực cụ thể mang tính chất lan tỏa như du lịch và logistics… Đối với ngành du lịch, đây là lợi thế của Việt Nam và Chính phủ cũng xác định du lịch sẽ tiến tới là ngành công nghiệp mũi nhọn.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ muốn tạo ra sự thay đổi tích cực hơn để thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, logistics đang tạo ra chi phí rất lớn làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nên Chính phủ đặt mục tiêu phải cải thiện ngành logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, giúp giảm chi phí cũng như tăng năng lực cạnh tranh.
Nhìn nhận và đánh giá về điều kiện thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, ông thấy có khó khăn gì trong thực hiện những mục tiêu trên, khi Nghị quyết 19/2018 chính thức được ban hành?
Theo tôi khó khăn hiện nay nằm ở các doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp hiện nay chưa ý thực được việc Chính phủ cải cách môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi hơn cho mình mà còn cho các đối thủ. Do vậy nhiều khi doanh nghiệp bị loại khỏi cuộc chơi.
Việc loại bỏ này không phải do môi trường cải cách mà do chính doanh nghiệp không chủ động xây dựng năng lực cạnh tranh, thiết lập khuôn khổ quản trị tốt cho chính mình. Do vậy, thời gian tới cần nâng cao nhận thức của chính doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, kinh doanh liêm chính vì khách hàng, vì lợi ích lâu dài. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể tồn tại.
Trong kinh doanh, ngoài những rào cản về hành chính, doanh nghiệp cũng rất sợ rủi ro pháp lý, chẳng hạn như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sự an toàn về tài sản, các quy định không được thực thi đầy đủ cũng có thể tạo ra những rủi ro trong kinh doanh. Do vậy, song song với việc xóa bỏ các rào cản, tôi cho rằng cải cách về thể chế cần nhấn sâu hơn tới việc tạo môi trường thể chế để thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm an toàn trong kinh doanh.
Có nhiều căn cứ để tin rằng mục tiêu của Nghị quyết 19 có thể thực hiện được bởi đây là Nghị quyết đã được vận hành 4 năm nên nhận thức của các bộ, ngành về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc thực thi đã có. Chỉ đạo của Chính phủ ngày càng quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp đòi hỏi lợi ích cũng tăng lên nên tôi cho rằng, tiếp theo “guồng” này, năm 2018 sẽ thực hiện Nghị quyết tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là thay đổi về phương thức quản lý. Nếu như các bộ, ngành chỉ đơn thuần cơ học bãi bỏ các rào cản pháp lý, nới lỏng quy định pháp luật mà không áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến thì sẽ không thực hiện tốt chức năng quản lý của mình. Đặc biệt là ở các địa phương, vai trò của người đứng đầu lại càng quan trọng. Cần phải có cơ chế để các địa phương có sự thay đổi, cạnh tranh tốt hơn, thi đua tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!