Nghị quyết số 68-NQ/TW mở ra không gian mới để các doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm lớn

Hữu Hòe

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế - Tài chính, TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mở ra không gian mới để các doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm lớn, mà không còn tâm lý lo sợ bị xử lý hình sự do những sai sót không cố ý trong quá trình kinh doanh.

Phóng viên: Theo ông, Nghị quyết số 68-NQ/TW tạo ra những định hướng mang tính đột phá nào để giúp khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nhanh chóng lớn mạnh, trở thành động lực phát triển quan trọng nhất cho nền kinh tế?

TS. Đậu Anh Tuấn: Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được xem là một bước ngoặt trong tư duy và cách tiếp cận chính sách của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nếu trước đây, Nhà nước chủ yếu giữ vai trò "tháo gỡ khó khăn" hay "gỡ vướng cơ chế", thì nay, tinh thần của Nghị quyết đã thể hiện một chuyển biến rõ rệt: Chuyển từ thế bị động sang chủ động, từ hỗ trợ mang tính tình huống sang kiến tạo môi trường phát triển bài bản, bền vững và lâu dài.

Một định hướng rất quan trọng là khẳng định không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Điều này tạo ra một môi trường pháp lý an toàn, ổn định và thân thiện hơn với doanh nghiệp. Đây là thông điệp rất mạnh mẽ, khẳng định Nhà nước không coi doanh nghiệp là đối tượng bị kiểm soát, mà là đối tác cần được đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển. Nghị quyết số 68-NQ/TW đề cao tinh thần “quản lý để phục vụ”, chuyển từ tư duy “trừng phạt” sang “hỗ trợ để phục hồi”, qua đó mở ra không gian mới để các doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm lớn, mà không còn tâm lý lo sợ bị xử lý hình sự do những sai sót không cố ý trong quá trình kinh doanh.

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, người kinh doanh Việt Nam cần dám nghĩ lớn, làm lớn – nghĩa là phải có khát vọng vươn ra khu vực và thế giới.
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, người kinh doanh Việt Nam cần dám nghĩ lớn, làm lớn – nghĩa là phải có khát vọng vươn ra khu vực và thế giới.

Với bối cảnh toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ về chuỗi cung ứng và đầu tư, những định hướng này sẽ giúp khu vực tư nhân Việt Nam bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng then chốt của nền kinh tế.

Phóng viên: Việc thể chế hóa quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về không hình sự hóa các quan hệ kinh tế cần được khẩn trương tiến hành ra sao, để khu vực kinh tế tư nhân táo bạo trong dám nghĩ lớn, làm lớn, thưa ông?

TS. Đậu Anh Tuấn: Thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW là một yêu cầu cấp bách và cần được triển khai khẩn trương, đồng bộ trên cả phương diện pháp luật và hành chính. Trước hết, cần sửa đổi, bổ sung các bộ luật liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Doanh nghiệp…, nhằm cụ thể hóa nguyên tắc ưu tiên biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính đối với các sai phạm không có yếu tố hình sự. Những quy định pháp lý hiện hành cần được rà soát để loại bỏ các điểm chồng chéo, gây nhầm lẫn hoặc rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Song song với đó, cần tổ chức tập huấn, đào tạo lại đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, đặc biệt là tại các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và các sở, ngành địa phương, để họ tiếp cận và áp dụng tư duy pháp lý mới nhất quán, giảm tình trạng “hình sự hóa do thói quen hành chính cũ”.

Cuối cùng, việc xây dựng cơ chế giám sát và phản hồi chính sách kịp thời, hiệu quả sẽ là yếu tố hỗ trợ để Nghị quyết số 68-NQ/TW đi vào thực tiễn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Phóng viên: Để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp như Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra, cần triển khai ngay những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

TS. Đậu Anh Tuấn: Để đạt được mục tiêu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Các quy trình đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, hải quan… cần tiếp tục được số hóa, rút gọn và minh bạch, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho việc gia nhập thị trường.

Thứ hai là tăng cường tiếp cận vốn và đất đai. Nhà nước cần triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Việc quy hoạch, phân bổ và định giá đất minh bạch, công bằng sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện mở rộng sản xuất.

Thứ ba là thiết lập hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ, kết nối thị trường, tư vấn pháp lý – tài chính. Một hệ sinh thái đầy đủ và hiệu quả sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp không chỉ ra đời, mà còn phát triển bền vững, từ đó nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động thực chất và có sức cạnh tranh.

Phóng viên: Theo ông, về phần mình, khu vực kinh tế tư nhân cần có tâm thế như thế nào, để đón đầu và tận dụng hiệu quả những tư tưởng táo tạo, đột phá của Nghị quyết số 68-NQ/TW?

TS. Đậu Anh Tuấn: Các doanh nghiệp không thể chỉ chờ đợi chính sách từ Nhà nước, mà cần chủ động bắt tay vào hành động để tận dụng cơ hội từ Nghị quyết số 68-NQ/TW. Việc đầu tiên là xây dựng lại niềm tin và tinh thần chủ động pháp lý, nghĩa là doanh nghiệp phải hiểu rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, tuân thủ pháp luật nhưng cũng biết bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước các rủi ro pháp luật. 

Muốn phát triển mạnh thì cần có năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào quản trị doanh nghiệp, công nghệ và nguồn nhân lực. Một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Đồng thời, cần mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo để thích nghi với bối cảnh hội nhập sâu rộng.

 

"Tôi có thể nhìn thấy sự hồ hởi từ cộng đồng kinh doanh trong mấy tuần qua sau khi có Nghị quyết số 68-NQ/TW.", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Cuối cùng, doanh nhân, người kinh doanh Việt Nam cần dám nghĩ lớn, làm lớn – nghĩa là phải có khát vọng vươn ra khu vực và thế giới, không tự giới hạn mình trong các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ. Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mở đường, việc còn lại là doanh nghiệp có đủ bản lĩnh và tầm nhìn để bước đi hay không.

Phóng viên: Theo ông, "bộ tư chiến lược" gồm: Nghị quyết số 59 -NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 57 -NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 18 -NQ/TW của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp; Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thể hiện các điều kiện cần và đủ để khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh để cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

TS. Đậu Anh Tuấn: “Bộ tư chiến lược” này thực sự là một cấu trúc hoàn chỉnh, cung cấp đầy đủ các điều kiện cần và đủ để khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam “cất cánh”. Nghị quyết số 59-NQ/TW tạo nền tảng hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, mở cửa thị trường và nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết số 57-NQ/TW mang lại xung lực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân làm chủ công nghệ, chuyển đổi số và bứt phá trong mô hình kinh doanh. Nghị quyết số 18 -NQ/TW đảm bảo nền hành chính tinh gọn, hiệu lực – một điều kiện then chốt để môi trường kinh doanh trở nên minh bạch và hiệu quả.

Và cuối cùng, Nghị quyết số 68-NQ/TW là cú hích quyết định về mặt tư duy pháp lý – loại bỏ “nỗi sợ hình sự”, tạo tâm thế an toàn cho doanh nghiệp dám đầu tư, dám đổi mới.

Khi bốn trụ cột này đồng thời vận hành, chúng không chỉ là các chính sách riêng biệt, mà là một tổng thể chiến lược thống nhất, giúp Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới với khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm.

Chỉ cần thực thi quyết liệt, đồng bộ và nhất quán, “bộ tư chiến lược” này sẽ là bàn đạp đưa Việt Nam bứt phá trên bản đồ kinh tế toàn cầu, hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!