Nghịch lý của kinh tế Trung Quốc
Mặc dù hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhu cầu sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thế nhưng lạm phát tại Trung Quốc lại tăng cao do giá thịt lợn tăng mạnh. Đó đang là một nghịch lý và gây nhiều khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của nước này.
Kinh tế nguội lạnh
Số liệu do cơ quan hải quan Trung Quốc công bố cuối tuần trước cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng USD của nước này giảm tới 17,2% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế là chỉ giảm 14%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 4% trong thời gian này so với cùng kỳ năm trước, song vẫn khả quan hơn dự báo của giới chuyên môn là giảm 15%. Tuy nhiên nếu so với mức tăng 16,5% của tháng cuối năm ngoái, sự sụt giảm của nhập khẩu là khá đáng kể và phần nào cho thấy những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất của nước này.
Báo cáo của Nikkei – IHS Markit được công bố hôm 2/3 cũng cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh xuống còn 40,3 điểm trong tháng 2 từ mức 51,1 điểm của tháng 1, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được khảo sát tại Trung Quốc vào tháng 4/2004. “Sản xuất giảm mạnh trong tháng hai vì nhiều công ty đóng cửa hoặc đang hoạt động dưới công suất do các hạn chế được đưa ra nhằm ứng phó với dịch coronavirus”, báo cáo cho biết.
Nhu cầu nội địa yếu ớt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến lạm phát cơ bản tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản chỉ tăng với tốc độ hàng năm là 1% trong tháng 2, tốc độ chậm nhất kể từ tháng 6/2010. Nhu cầu yếu cũng khiến các doanh nghiệp không dám tăng giá bán sản phẩm hàng hóa. Hệ quả là chỉ số giá sản xuất thậm chí còn quay đầu giảm 0,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 0,1% trong tháng 1.
“Việc lạm phát cơ bản giảm xuống thấp nhất trong 10 năm cho thấy cầu bị ảnh hưởng mạnh hơn cung”, Xing Zhaopeng - Chuyên gia kinh tế tại ANZ Bank Group Ltd. cho biết. “Với sự lan rộng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhu cầu bên ngoài dự kiến cũng sẽ giảm, cộng thêm giá dầu giảm mạnh gần đây càng củng cố cho nỗi lo bất ổn kinh tế và cả kỳ vọng giảm phát”.
Các cú sốc cung và cầu ở Trung Quốc có thể sẽ được phản chiếu qua các chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều tháng, trong khi vius đang lan nhanh tại nhiều quốc gia, bao gồm cả các nền kinh tế tiên tiến đang làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng trên toàn cầu, thậm chí có thể rơi vào suy thoái.
Lạm phát… nóng
Tuy nhiên, giá thực phẩm tại Trung Quốc tiếp tục tăng vọt do giá thịt lợn tăng. Theo đó, chỉ số giá thực phẩm tại trung Quốc tăng 21,9% trong tháng 2, cao nhất kể từ tháng 4/2008, chủ yếu do giá thịt lợn tăng tới 135,2%. Điều đó khiến CPI tổng thể tại nước này tăng tới 5,2% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2007.
Sự phân kỳ về chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất đang là một vấn đề đầy hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Trong khi nhu cầu có xu hướng chậm lại do coronavirus và nền kinh tế vốn đã yếu hơn, nhưng các hộ gia đình vẫn phải đối mặt với giá lương thực cao hơn do ảnh hưởng của dịch cúm lợn châu Phi làm suy giảm nguồn cung thịt lợn.
“Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể không dễ dàng trong việc nới lỏng tiền tệ như Fed và các ngân hàng trung ương khác”, Larry Hu - Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd tại Hồng Kông cho biết. Tuy nhiên theo chuyên gia này, lạm phát tại Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới do nền kinh tế chậm lại và giá dầu giảm. Trong khi giảm phát giá sản xuất sẽ là mối quan ngại lớn vào cuối năm nay. “Do đó, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều kích thích hơn vào cuối năm nay”, ông dự báo.
Điều bất ngờ là niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ở mức rất cao so với nhiều nền kinh tế trong khu vực, bất chấp dịch Covid-19.
Các cuộc khảo sát hàng ngày tại 12 quốc gia của Morning Consulting - một nhà cung cấp thông tin dữ liệu - cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng mạnh nhất, chẳng hạn như tại Nhật Bản. Lý do chính là tâm lý của người tiêu dùng Nhật Bản đã khá tiêu cực do nền kinh tế trì trệ và việc tăng thuế đối với hàng tiêu dùng gần đây.
Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc lại ở mức cao nhất, với 139,4 điểm, cao gấp hơn 2 lần cấp độ của Nhật Bản trong cùng một cuộc khảo sát, mặc dù Trung Quốc là trung tâm của bệnh, với hầu hết các trường hợp và nhiều trường hợp tử vong nhất.