Nghiêm trị mọi hành vi phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Theo Đông Sơn/baokiemtoannhanuoc.vn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nghị định này quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có quyết tâm chính trị để chung tay giải quyết thách thức phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có quyết tâm chính trị để chung tay giải quyết thách thức phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ phí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 81/2019/NÐ-CP của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PBVKHDHL) kèm theo Quyết định số 432/QÐ-TTg ngày 27/3 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc phối hợp xử lý, giải quyết về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải thận trọng, tích cực, chủ động, kịp thời; đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng theo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ; bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức theo thẩm quyền đúng quy định của pháp luật có liên quan.

Tài sản, quyền và lợi ích của bên thứ ba hợp pháp được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; thiệt hại về tài sản và lợi ích của cá nhân, tổ chức do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải được bồi thường theo quy định của pháp luật; các hành vi vi phạm về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài sản liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định rõ chính sách phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt: Nhà nước tạo điều kiện phát triển các sáng kiến nhằm ngăn chặn việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và nghiêm trị mọi hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; sử dụng đồng bộ các biện pháp để tổ chức phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định và pháp luật có liên quan.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ cho hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Kế hoạch này. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định trong bộ, ngành, địa phương mình; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng - Cơ quan đầu mối quốc gia để tổng hợp theo quy định).

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách, biện pháp bảo vệ tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trong trường hợp bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc thân nhân sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có tài sản được huy động để phục vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Cơ quan và người có thẩm quyền có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình.

Xem nội dung Nghị định số 81/2019/NÐ-CP tại đây.

Trước đó, hưởng ứng chủ đề “Nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn ngừa các chủ thể phi nhà nước phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có quyết tâm chính trị để chung tay giải quyết thách thức này.​

Theo đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò ngoại giao đa phương của LHQ và hợp tác giữa LHQ với các cơ chế, chủ thể ở các cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong các nỗ lực chống phổ biến và giải trừ quân bị, đặc biệt là việc thông qua các Nghị quyết 2325 và 1540 của HĐBA.

Việt Nam nêu rõ đóng góp quan trọng của các khu vực phi vũ khí hạt nhân trong các nỗ lực chống phổ biến và hoan nghênh Hội nghị LHQ thương lượng một văn kiện pháp lý cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hỗ trợ các nước, nhất là những nước đang phát triển, thực hiện hiệu quả các nghị quyết liên quan, xây dựng và triển khai các chiến lược quốc gia ứng phó với các loại hình tội phạm mới.