Chọn điểm tựa để cải cách doanh nghiệp nhà nước

Theo Đầu tư Chứng khoán

Nhà nước chỉ sở hữu cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (DN) và có quyền tương ứng với phần vốn đã góp vào DN tương tự như các thành viên, cổ đông khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 2013 này, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là một trong những trụ cột của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nhân dịp đầu Xuân mới, xin đăng tải bài viết của các tác giả Bùi Văn Dũng - Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN và Nguyễn Thị Luyến - Phó trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) với chủ đề đổi mới tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN - một điểm tựa quan trọng tạo sức bật cho công cuộc cải cách DNNN trong thời gian tới.

Nút thắt lớn nhất

Trong thời gian qua, việc cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN còn nhiều vấn đề chưa được xử lý triệt để. Đó là mặc dù khung pháp luật về cải cách và nâng cao hiệu quả DNNN đã được hình thành tương đối đồng bộ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều văn bản chưa sát với thực tiễn, phải sửa đổi liên tục; trong đó một số văn bản do một số cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước soạn thảo còn có những quy định bảo vệ quyền, lợi ích cục bộ, chưa đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Đồng thời, vẫn còn một số lượng khá lớn DNNN hoạt động ở ngành, lĩnh vực không cần duy trì sở hữu nhà nước. Xét về tổng thể, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, mức lỗ bình quân của các DNNN bị lỗ ngày càng lớn. Thực tế, có một số tập đoàn kinh tế, DNNN như Vinashin, Vinalines..., do chủ sở hữu giám sát chưa chặt chẽ, ban quản lý điều hành cố tình làm trái, dẫn đến thua lỗ lớn và vẫn đang để lại những hậu quả nặng nề cho chủ sở hữu nhà nước, người lao động và cả khu vực DNNN.

Việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn vẫn còn phân tán, chưa tách được chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp và hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước chưa cao; nhiều lúc, nhiều nơi còn buông lỏng dẫn đến một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng chậm được phát hiện và xử lý. Cơ chế người đại diện theo ủy quyền tại DN có phần vốn góp của Nhà nước chưa tạo động lực cho họ bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN…

Những bất cập nêu trên đều liên quan đến tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước. Do đó, việc đổi mới tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN cần được lựa chọn làm điểm tựa, tạo sức bật cải cách và nâng cao hiệu quả DNNN.

Mô hình nào “quản” DNNN?

Từ thực tế trên và xu thế chuyển từ mô hình bộ chủ quản sang mô hình song trùng hoặc mô hình phân tán/phi tập trung, sau đó chuyển sang mô hình tập trung, định hướng đổi mới trong thời gian tới nên triển khai theo một số định hướng cơ bản sau.

Thứ nhất, thực hiện tách toàn diện chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN cả về mục tiêu, yêu cầu lẫn chức năng, nhiệm vụ; phương pháp, công cụ và tổ chức bộ máy thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Thứ hai, hạn chế tối đa tình trạng nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, tiến tới hình thành một đầu mối thực hiện tập trung và thống nhất hầu hết các quyền chủ sở hữu nhà nước nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chủ sở hữu nhà nước; qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích chủ sở hữu nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và hiệu quả đồng vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức can thiệp của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc quản trị DN hiện đại, bảo đảm cho DNNN hoạt động linh hoạt, phù hợp nguyên tắc thị trường. Theo đó, Nhà nước chỉ sở hữu cổ phần, phần vốn góp vào DN và có quyền tương ứng với phần vốn đã góp vào DN tương tự như các thành viên, cổ đông khác. Với tư cách thành viên hoặc cổ đông, Nhà nước thực hiện việc chi phối hoặc ảnh hưởng đối với quyết định của DN thông qua thực hiện quyền của thành viên hoặc cổ đông (tương ứng với tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp) hoặc thông qua người đại diện ủy quyền đảm nhận các vị trí quản lý trong DN.

Thứ tư, hình thành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, lợi ích của Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với toàn bộ khu vực DNNN và vốn nhà nước tại DN khác.

Căn cứ vào thực trạng thực hiện chức năng chủ sở hữu và các định hướng nêu trên, có thể đề xuất phương án đổi mới mô hình như sau: Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước thông qua một cơ quan chuyên trách thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước không là cơ quan hành chính nhà nước và không thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi của phương án, cần tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật chung làm cơ sở pháp lý cho triển khai mô hình tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, phần vốn nhà nước tại DN và các cơ chế chính sách quản lý DNNN, phần vốn nhà nước tại DN nhằm tạo sự đồng bộ, tránh xung đột giữa các quy định pháp luật về vấn đề này và đảm bảo thông suốt cho việc triển khai hoạt động của mô hình mới. Tiếp tục sắp xếp lại DNNN theo hướng thu hẹp ngành, lĩnh vực hoạt động và số lượng DNNN, xây dựng hệ thống thông tin và thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa thông tin về DNNN theo mô hình công bố thông tin của các DN niêm yết.