Gây dựng lòng tin

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ phải vượt qua con số 7%, tăng trưởng GDP nửa cuối chặng đường 2014 cũng phải đạt 6,25% thì các chỉ tiêu kinh tế mới được cán đích. Nhiều chuyên gia cho rằng, nút thắt thể chế kinh tế được tháo gỡ sẽ là chìa khóa mở đường để phân bổ và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Vượt qua các lực cản 

Trong khi một số ngành đang có mức tăng trưởng thấp hơn mong đợi, trong đó có du lịch, bán lẻ thì một số ngành sản xuất công nghiệp dần lấy lại sức hồi phục. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong mức tăng chung của toàn ngành, ngành chế biến, chế tạo đóng góp lớn nhất với 5,5 điểm phần trăm, cho thấy sản xuất trong nước vẫn duy trì sự tăng trưởng và phát triển. 

Để tạo đà vượt qua khó khăn, ngoài việc cần huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hy vọng nhu cầu đầu tư trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ tăng lên, từ đó sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng. Ông Bình cho rằng khả năng tăng trưởng tín dụng có đạt được mục tiêu hay không phụ thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực của chính hệ thống ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp - nhân tố quyết đinh sự thành bại của tăng trưởng kinh tế cũng đang có dấu hiệu lạc quan. Năng suất lao động được doanh nghiệp (DN) cảm nhận có xu hướng cải thiện rõ rệt vào 6 tháng cuối năm. Xu hướng tích cực ở kế hoạch đầu tư trở lại tăng lên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh hỗ trợ hết sức để DN  yên tâm sản xuất, vượt khó. Trong đó có các chính sách thuế. 

Về việc khơi thông dòng vốn, đưa tiền vào nền sản xuất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, thời gian tới tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm... 

Riêng về vấn đề xử lý nợ xấu, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận, tình hình xử lý nợ xấu có vẻ như chậm lại trong thời gian qua, nhưng sự chậm lại đó là để hoàn thiện các văn bản pháp lý và tinh thần chung từ nay đến cuối năm vẫn là tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro… Hiện tại, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được trên dưới 50.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch năm nay sẽ mua khoảng 70.000 - 100.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng ban đầu để đẩy vốn ra thị trường.

Xử lý nhiều vấn đề

Nền kinh tế vĩ mô hiện nay được nhìn nhận khá ổn định nhưng để lấy lại đà tăng trưởng nhanh không phải là chuyện trở bàn tay. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới chỉ ra Việt Nam có đến 3 rủi ro trong trung hạn có thể gặp phải, cầu của khu vực trong nước vẫn yếu và dễ bị ảnh hưởng trước các diễn biến bất lợi; nợ xấu của ngân hàng không được giải quyết triệt để có thể làm mất niềm tin của người gửi tiền. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, các chuyên gia của WB cho rằng, Việt Nam cần phải đẩy mạnh sự quan tâm đến những cải cách cơ cấu, cụ thể cần tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, đồng thời xóa bỏ các rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước. 

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế đang phải xử lý rất nhiều vấn đề để đạt được đồng thời mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải dành một nguồn lực không nhỏ để tiếp tục hội nhập và tái cấu trúc nền kinh tế. Sự  tăng trưởng đạt được mức nào đó không quan trọng bằng việc tiếp tục gây dựng lại lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam. Và để đạt được điều này, yếu tố tiên quyết là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, quyết liệt hơn tái cấu trúc nền kinh tế. Đặc biệt, là phải chú trọng chủ động hội nhập kinh tế. 

"Đây sẽ là một cú hích trong việc tạo dựng lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam và đó mới là điều quyết định quan trọng nhất cho phát triển kinh tế trong năm nay và những năm tới”- ông Thành nhấn mạnh.