Làm thế nào để Fintech Việt Nam đạt 8 tỷ USD vào 2020?

Theo Tùng Linh/bizlive.vn

Châu Á Thái Bình Dương đang là khu vực mà các giải pháp tài chính công nghệ có tốc độ phát triển rất nhanh. Vậy Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu hướng này?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những công ty công nghệ tài chính hay còn gọi là Fintech hiện nay đang tạo ra tác động trên toàn cầu. Theo số liệu của PricewaterhouseCoopers, trong 4 năm qua, các startup Fintech trên toàn cầu đã thu hút hơn 40 tỷ USD vốn đầu tư. 
Riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương từ tháng 1/2016 đến tháng 2/2017 đã thu hút được gần 15 tỷ USD và theo nhận định của Forbes, Việt Nam có cơ hội để bắt kịp xu thế này.
Theo nghiên cứu của Solidiance, thị trường công nghệ tài chính của Việt Nam năm 2017 đã đạt 4,4 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt được 7,8 tỷ USD. Nghiên cứu của Solidiance đã đề cập đến nhiều yếu tố. Trong đó gồm tỷ lệ sử dụng Internet của người dân, tỷ lệ sử dụng smartphone tại các thành phố lớn, sự phổ biến của ví điện tử, thu nhập của người dân đang tăng và mức tăng trưởng của thương mại điện tử. 
Solidiance cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đã có những hỗ trợ mạnh về pháp lý. Nếu nhà nước đạt được mục tiêu 70% người dân trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng vào năm 2020 thì điều này hoàn toàn có thể đẩy nhanh sự phát triển của thị trường Fintech trong nước.
Tuy nhiên vẫn còn những điểm cần phải cải thiện. Theo ông Michael Sieburg, một trong những chuyên gia của Solidiance: “Vấn đề quan trọng trong việc tăng tốc độ ra mắt sản phẩm và dịch vụ mới là các sản phẩm và dịch vụ này cần được hướng dẫn về pháp lý để họ có thể dự đoán được thị trường cũng như giảm rủi ro về pháp lý khi hoạt động”. 
Ông cũng cho rằng thời gian cấp phép quá lâu cũng là một yếu tố cản trở cho sự đổi mới của một quốc gia có tiềm năng dẫn đầu về công nghệ tài chính như Việt Nam. 
Xu hướng thanh toán di động
Nghiên cứu của Solidiance cho thấy 89% thị trường Fintech ở Việt Nam là các giải pháp thanh toán. Dự kiến phải đến năm 2025, các dịch vụ tài chính phục vụ cá nhân mới tăng tới 31,2% và cho doanh nghiệp mới tăng 35,9%. 
Mức tăng này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của chính phủ giảm việc sử dụng tiền mặt của người dân. Năm ngoái chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch giảm các giao dịch tiền mặt trong hoạt động mua sắm của người dân xuống dưới 10% vào năm 2020.
Trước đây, theo báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới, chỉ có 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng có thể giao dịch. Tỷ lệ này khi đó thấp là do chi phí giao dịch vẫn còn cao, việc lập tài khoản yêu cầu nhiều giấy tờ, khách hàng khó tiếp cận dịch vụ và niềm tin vào các dịch vụ tài chính chưa cao. 
Năm 2017, 84% người dùng di động ở Việt Nam đã sử dụng điện thoại thông minh. Những ứng dụng thanh toán trên di động có thể góp phần thu hút thêm những người dùng không thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống. 
Ông Michael Sieburg cũng cho rằng các hình thức thanh toán kỹ thuật số sẽ làm thay đổi không chỉ thị trường bán lẻ mà còn có ích cho cả những thanh toán cho dịch vụ công hoặc chính phủ điện tử mà đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai ở nông thôn. 
Tất nhiên còn rất nhiều điều để Việt Nam làm nếu muốn trở thành một quốc gia dẫn đầu trong ngành Fintech. Nhưng với người dân luôn mong muốn sử dụng công nghệ mới, sự thay đổi mạnh mẽ đến từ cả các startup và các tổ chức tài chính truyền thống, ngành Fintech của Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn cho các nhà đầu tư.