Ngành hàng hải Việt Nam: Để trở thành điểm sáng kinh tế biển

Theo Hoàng Anh/tapchithue.com.vn

Chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ cấp bách là xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, trong đó vai trò của ngành hàng hải đặc biệt quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tự tin hội nhập 

Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, Nghị quyết xác định rõ: Ðến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển với kinh tế hàng hải đứng thứ hai trong các ngành kinh tế biển (sau khai thác và chế biến dầu khí) và sau năm 2020, kinh tế hàng hải sẽ đứng đầu trong các ngành kinh tế biển. Như vậy, phát triển kinh tế hàng hải đã được Ðảng và Nhà nước xem là khâu đột phá trong phát triển kinh tế biển nói riêng và trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung trong giai đoạn tới.

Điều này đặt ra trọng trách rất lớn đối với ngành hàng hải Việt Nam là cần nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước chuyên ngành, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hải và kinh tế biển nói chung theo Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Những năm qua, Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đồng thời thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về hàng hải bao gồm: Phát triển và nâng cao thị phần của đội tàu vận tải biển Việt Nam; xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải hiện đại để cạnh tranh - hội nhập quốc tế; tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp vận tải biển nhà nước, đổi mới thể chế, chính sách, thúc đẩy sự phát triển ngành.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng đó, Cục HHVN đã không ngừng phát huy sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đoàn kết nhất trí, nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo và người lao động để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị quan trọng, xây dựng ngành HHVN phát triển sâu rộng, hiệu quả và bền vững, hướng đến hội nhập quốc tế một cách toàn diện.

Điểm sáng tích cực trong hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của ngành HHVN là trở thành thành viên chính thức của các tổ chức như: Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Hiệp hội các cơ quan quản lý hỗ trợ hàng hải và hải đăng quốc tế, Tổ chức Vệ tinh hàng hải quốc tế, Thỏa thuận Tokyo về Kiểm tra nhà nước cảng biển, Thành viên COSPAS-SARSAT Quốc tế.

Việt Nam đã ký Hiệp định hàng hải song phương với 26 quốc gia, ký thỏa thuận về công nhận giấy chứng nhận khả năng cho thuyền viên (CoC) với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia tích cực và thường xuyên vào các nhóm công tác hàng hải của Khối các quốc gia Đông Nam Á và Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC); tham gia các hiệp hội ngành nghề Asean như Hiệp hội chủ tàu Asean, Hiệp hội Cảng biển Asean, Hiệp hội Giao nhận Asean… Bên cạnh đó, còn hợp tác hàng hải song phương với Bỉ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Đức…

Thông qua đàm phán và ký kết hiệp định hàng hải đã mở ra cơ hội hợp tác về thương mại hàng hải, vận tải biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu biển và thuyền viên Việt Nam ra vào cảng biển của các quốc gia đã ký kết.

Thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm của Cục HHVN đang đặt ra như: Thực hiện phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, đội tàu biển, dịch vụ hàng hải và logistics... đều hướng tới mục tiêu trở thành điểm sáng kinh tế biển. Để đạt được mục tiêu trên, Cục HHVN đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như: Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL, các quy hoạch, chiến lược đề án phát triển ngành.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và nạo vét luồng hàng hải cũng được đặc biệt quan tâm, bảo đảm các tuyến luồng có độ ổn định, bảo đảm an toàn tàu thuyền ra vào cảng, thu hút tàu lớn vào cảng; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao thị phần vận tải của đội tàu biển Việt Nam, tổ chức tái cơ cấu ngành hàng hải hiệu quả; cải cách và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính. Ngoài ra, ngành tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển ngành HHVN theo hướng chuyên môn hóa và toàn cầu hóa.

Vận tải biển là một lĩnh vực mang tính quốc tế hóa cao, nhằm tăng thị phần vận tải đường biển, nâng cao chất lượng dịch vụ, năm 2018, Cục HHVN tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án, quy hoạch cụ thể như: Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đề án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ.

Đối với các Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cục HHVN tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, triển khai theo tiến độ, kế hoạch bảo đảm các đề án phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Về an toàn an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai và kiểm soát tải trọng phương tiện, Cục HHVN tiếp tục thực hiện quyết liệt văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn Giaio thông và Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành.

Cục HHVN sẽ tăng cường kiểm tra các đơn vị, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cảng trong việc thực hiện an toàn an ninh hàng hải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.