TPP trong chiến lược Abenomics

TS. Nguyễn Ngọc Mạnh - Viện nghiên cứu Châu Mỹ

(Tài chính) Việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế mang tên “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe. Bởi lẽ, Abenomics không thể chỉ dựa vào việc nới lỏng tiền tệ hay chi tiêu tài chính mà còn phụ thuộc vào việc tự do hóa nền kinh tế, mở cửa nền kinh tế cho xuất khẩu và đầu tư nước ngoài…

TPP là nhân tố tất yếu trong chiến lược vực dậy nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe. Nguồn: internet
TPP là nhân tố tất yếu trong chiến lược vực dậy nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe. Nguồn: internet
TPP ở đâu trong Abenomics?

Kể từ đầu năm 2013, những chính sách kinh tế thiên về trường phái Keynesian của ông Abe đã thu hút sự chú ý của cả thế giới vì những thành công bước đầu. Hai “mũi tên” tiên phong: kích cầu tài khóa và tăng cung tiền đã được bắn ra và hoàn thành nhiệm vụ của nó. Mục tiêu đưa mức lạm phát lên 2%, giảm giá đồng yen để kích thích xuất khẩu, kích cầu nội địa đều đã đạt được. Nhưng đó là tất cả những gì mà các chính sách trong ngắn hạn có thể làm. Sự thành công của Abenomics chỉ có thể đạt được khi những bước tiến của thị trường chuyển hóa thành sự tăng trưởng thật sự của nền kinh tế.  

Là một quốc gia xuất khẩu việc gia nhập TPP đồng nghĩa với việc các mặt hàng thế mạnh của Nhật Bản như ô tô, hàng điện tử, máy tính… sẽ có điều kiện thuận lợi để tiến vào thị trường các nước thành viên. Tuy nhiên, muốn tham gia đầy đủ vào TPP cũng đồng nghĩa với việc phải mở cửa những khu vực vốn rất biệt lập tại Nhật Bản như nông nghiệp, ô tô, dịch vụ tài chính, buộc Nhật Bản phải giảm thuế quan và các hình thức bảo hộ khác - một cái giá mà Nhật Bản chưa bao giờ sẵn sàng trả. Trước đó, bất chấp những chênh lệch với thị trường toàn cầu, để bảo vệ an ninh lương thực, Nhật Bản đã bỏ chi phí trợ cấp rất lớn cho ngành nông nghiệp, dẫn đến chi phí sản xuất nông sản của Nhật Bản vào hàng cao nhất thế giới.  

Một mục tiêu lớn khác mà Abenomics đang theo đuổi, đó là thổi một làn gió mới vào thị trường lao động già nua. Luật pháp Nhật Bản không cho phép các công ty được sa thải nhân viên trừ phi họ đóng cửa. Do đó, rất nhiều công ty phải chịu cảnh dư thừa nhân viên, mức chi phí cao và không muốn tuyển thêm người trẻ hay tăng lương. Từ đó, các doanh nghiệp ủng hộ cải cách mong muốn họ có thể sa thải nhân viên, bù lại là có trợ cấp thất nghiệp. bên cạnh đó, đồng yen giữ giá cao trong một thời gian dài đã khiến các nhà sản xuất Nhật Bản đưa quá trình sản xuất ra nước ngoài để hưởng lợi từ nhân công giá rẻ. Hệ quả của quá trình này là lượng việc làm trong nước giảm sút. Nếu không cải cách, việc gia nhập TPP có thể đào sâu thêm khó khăn này, khi nó mở cửa cho sự cạnh tranh từ việc chuyển dịch các nguồn lao động từ các nước thành viên vào Nhật Bản.

Những cải cách thích ứng với TPP

Theo hai chuyên gia hàng đầu về Nhật Bản, Matthew Goodman và Michael Green từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thì TPP là “nhân tố tất yếu trong chiến lược vực dậy nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe”.  

Trong số ba “mũi tên” đóng vai trò là ba giải pháp chiến lược chính của Abenomics, thì mũi tên thứ ba liên quan đến các nỗ lực cải tổ nền kinh tế một cách triệt để nhất, bởi nó hứa hẹn việc giải quyết các vấn đề tồn đọng lâu dài của nền kinh tế Nhật Bản, như tỉ lệ nợ công trên GDP cao, thị trường lao động đình trệ và tình trạng giảm phát kéo dài.

Trong tháng 6 vừa qua, ông Abe đã chính thức “bắn” đi mũi tên thứ ba. Mục tiêu là đạt được và duy trì tăng trưởng bền vững, thông qua ba kênh quan trọng: xóa bỏ mọi quy định và thể chế cứng nhắc, điều chỉnh chính sách thuế hướng đến doanh nghiệp và các chính sách thương mại.

Trong chiến lược trên, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiến tới xóa bỏ các quy định trong các lĩnh vực nông nghiệp, việc làm và y tế, những lĩnh vực bị chỉ trích là đã ngăn cản nền kinh tế trong việc thoát ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập niên qua.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, chiến lược tăng trưởng mới tìm kiếm một cuộc cải tổ Liên minh hợp tác xã nông nghiệp trung ương và nới lỏng những hạn chế đối với sự tham gia của các công ty tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ của Thủ tướng Abe cũng cam kết sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% xuống dưới 30% trong vài năm tính từ tài khóa 2015, do mức thuế suất hiện thuộc hàng cao nhất thế giới đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Nhật Bản với tốc độ chậm. Với tầm nhìn về một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy kim ngạch nông sản xuất khẩu lên 1.000 tỷ yen vào năm 2020 và 5.000 tỷ yen vào năm 2030.

Chính vì vậy, việc gia nhập TPP ngoài việc là một phần của các chính sách thương mại mà Nhật Bản theo đuổi, còn là bước đi quan trọng để thực hiện tất cả mục tiêu nói trên, là chất xúc tác cần thiết cho những cải cách từ góc độ cấu trúc nền kinh tế.

Thách thức cho việc gia nhập TPP và thực hiện Abenomics

Theo nhiều dự báo, TPP sẽ đưa nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2,5% đến năm 2025, và có thể còn lớn hơn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho việc gia nhập TPP và thực hiện chiến lược Abenomics là những nhóm lợi ích đang được chính những cơ chế lỗi thời bảo vệ. Trước thời ông Abe, có khá nhiều chính sách tương tự như hai giải pháp đầu tiên của Abenomics đã được tiến hành và sau cùng đều không đạt được hiệu quả. Lý do chính là những trì trệ từ trong cơ chế nền kinh tế của Nhật Bản vốn bảo thủ và không dễ cải thiện. Nếu những chính quyền trước ông Abe có thể khắc phục được sự trì trệ đó, thì kinh tế Nhật Bản đã không phải hứng chịu mức tăng trưởng tồi tệ hay bẫy giảm phát như thời gian vừa qua.  

Nếu Abenomics thất bại, trong đó có cải cách cơ cấu thúc đẩy các cuộc đàm phán TPP của Nhật Bản, có thể gây ra sự bất ổn định toàn cầu nghiêm trọng. Có hai kịch bản đáng lo ngại - cả hai đều xấu cho Nhật Bản và các nước trong TPP.

Thứ nhất là, không thực hiện được cải cách, chương trình nới lỏng tiền tệ lớn của ông Abe sẽ kết hợp với kích thích kinh tế thâm hụt ngân sách có thể dẫn đến tình trạng lạm phát, nó là một phức hợp khủng khiếp của tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng còi cọc và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Thứ hai là, do gánh nặng nợ nần khổng lồ của Nhật Bản ở mức 230% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc chỉ tăng 2% lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản sẽ nâng chi phí dịch vụ nợ lên mức 100% ngân sách chính phủ. Kịch bản này là rất có thể xảy ra do tình trạng thâm hụt thương mại cùng tăng trưởng yếu kéo dài của Nhật Bản. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tình trạng bán tháo trái phiếu Nhật Bản của các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước. Tất cả những kịch bản đó đều gây hậu quả tệ hại là đẩy Nhật Bản đến tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng, nhấn chìm cuộc đàm phán TPP. Tồi tệ hơn là một Nhật Bản tuyệt vọng về kinh tế có thể chuyển hướng theo con đường dân tộc chủ nghĩa độc hại.

Tuy nhiên, việc đàm phám TPP vẫn chưa kết thúc. Hoa Kỳ và các nước trong TPP đều thừa nhận những lợi ích kinh tế quốc gia của riêng mình khi kết thúc đàm phán TPP, nên sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ ông Abe trong chương trình cải cách kinh tế. Hiện tại, ông Shinzo Abe đang ở vào thế thuận lợi hơn người tiền nhiệm rất nhiều, những thành công ban đầu của Abenomics đã đưa sự ủng hộ ông vượt lên mức 70%, khiến khả năng thông qua việc gia nhập TPP của Nhật Bản lớn hơn bao giờ hết. Hi vọng, với chiến thắng lớn trong kỳ bầu cử thượng viện tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng LDP sẽ có được tiếng nói cần thiết để thực hiện những bước đi mạnh dạn trong việc gia nhập TPP và thực hiện chiến lược Abenomics.