Vai trò của tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Trải qua hơn 25 năm đổi mới với đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Trong những thành tựu quan trọng đó, có phần đóng góp đáng khích lệ của hoạt động tài chính vi mô (TCVM). Gần 3 thập kỷ qua, ngành TCVM đã và đang khẳng định được tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp. Các tổ chức TCVM đang dần khẳng định vai trò nhất định của mình trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Thực tế đã chứng minh rằng, TCVM là hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc và ngày càng lớn mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Vai trò của tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam
TCVM đã và đang khẳng định tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp. Nguồn: internet
Sự ra đời của tài chính vi mô

Khái niệm TCVM xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, khi ông Muhammad Yunus thành lập nên Ngân hàng Grameen, như là một thử nghiệm, ở vùng ngoại ô của Bangladesh. Kể từ khi đó, một vài tổ chức TCVM đã ra đời và đạt được thành công khi đến gần với những người nghèo nhất trong xã hội. Tuy nhiên, phải đến khi Ủy ban Nobel trao cho Ngân hàng Grameen Bank và người sáng lập Muhammad Yunus Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2006 “Vì những nỗ lực của họ trong việc tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội”, TCVM mới thực sự thu hút được sự chú ý của thế giới và niềm tin vào khả năng chống lại đói nghèo.

Tại Việt Nam, năm 1986, Chính phủ Việt Nam quyết định thực hiện chính sách quốc gia về xóa đói giảm nghèo thông qua việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất của người nghèo. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) quốc tế; các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) song phương và đa phương; các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương, các chương trình TCVM đã được hình thành với mục đích giảm nghèo cho phụ nữ, trẻ em…

Tuy nhiên, ban đầu Chính phủ không đưa ra khung pháp lý cụ thể cho sự hoạt động của các tổ chức TCVM, đa số các tổ chức tài chính nhận sự hỗ trợ vốn cũng như kỹ thuật từ các NGO nước ngoài. Tại kỳ họp thứ 7 khóa XII ngày 16/6/2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12. Đây là lần đầu tiên loại hình Tổ chức tài chính vi mô được khẳng định là một loại hình tổ chức tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Có thể nói, việc các tổ chức tài chính vi mô được hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng là một bước tiến dài đối với lĩnh vực tài chính vi mô, đây là nền tảng pháp lý vững chắc để củng cố và phát triển ổn định đối với các tổ chức tài chính vi mô, góp phần cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác phát triển hoạt động trong lĩnh vực tài chính vi mô với mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, qua đó đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam có hàng trăm tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô thuộc ba khu vực: khu vực chính thức, khu vực bán chính thức và khu vực phi chính thức:

• Khu vực chính thức gồm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
• Khu vực bán chính thức gồm các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và chương trình của các tổ chức xã hội.
• Khu vực phi chính thức là các nhóm cho vay tương hỗ dưới hình thức phường, họ, hụi, thậm chí vay nặng lãi…

Vai trò của tài chính vi mô trong xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam

Giải pháp thoát nghèo ở Việt Nam

Theo một báo cáo Đánh giá Nghèo Việt Nam 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB) thì “Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới”, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 20,7% năm 2010. Đây là con số thực sự ấn tượng, có sự đóng góp không nhỏ của chính sách TCVM, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống người dân.

Gần đây, vào năm 2011, WB đã tiến hành nghiên cứu và công bố trên trang Global Findex – cơ sở dữ liệu tài chính toàn cầu, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết họ không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng cần có nhu cầu rất lớn về tiết kiệm và vay mượn. Nhiều khi để giải quyết nhu cầu tài chính của mình họ phải tự xoay sở từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong phần lớn trường hợp, nhiều người nghèo buộc phải vay nặng lãi với lãi suất cao hơn khoảng 100%/năm. Chính vì vậy, các tổ chức cung cấp TCVM như: ngân hàng chính sách, hợp tác xã, Quỹ tín dụng trung ương, các tổ chức TCVM… cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác và các dịch vụ phi tài chính: quản lý tài chính và rủi ro, hướng dẫn chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường… đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho người dân và được người nghèo đánh giá cao.

Một khảo sát mới đây được Nhóm công tác TCVM Việt Nam tiến hành nhằm đánh giá mức độ bền vững của các tổ chức TCVM Việt Nam cho thấy: 90% đối tượng khảo sát bày tỏ sự hài lòng của mình khi vay vốn tại các tổ chức TCVM vì sự thuận tiện và phù hợp với nhu cầu bản thân họ; 95,30% người được hỏi nói rằng muốn được vay vốn từ tổ chức này. Những con số ấy dù chưa thể nói lên nhiều điều nhưng phần nào chứng tỏ được nhu cầu rất lớn của nhiều dân nghèo từ nguồn vốn vay của các tổ chức TCVM.

Đa số người nghèo Việt Nam sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấy và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kiến thức. TCVM có khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính cho cộng đồng người nghèo nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội. Mặc dù vốn vay của TCVM không lớn như ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những khoản vay này đến được với người nghèo và nghèo nhất vào đúng thời điểm cần thiết nhất, giúp họ khởi tạo sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chỉ tiêu và bảo vệ họ khỏi nghèo đói mặc dù việc này cần thời gian.

Tăng thu nhập hộ gia đình

Hiện nay, tại Việt Nam, TCVM cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng (cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm), (giáo dục tài chính cho khách hàng lập ngân sách và tiết kiệm, hỗ trợ tài chính kịp thời cho khách hàng gặp khó khăn…), giúp người nghèo tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng các khoản thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp, có các khoản thu nhập khác từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, kinh doanh doanh nhỏ. Đồng thời, góp phần giúp người nghèo tránh, giảm rủi ro về kinh tể và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình. Trong khi thu nhập không tự động tăng lên, nguồn vốn vay đáng tin cậy không cần tài sản thế chấp ban đầu là cơ sở nền tảng cho việc lên kế hoạch khởi động sản xuất, mở rộng kinh doanh, cộng thêm tổ chức cung cấp vốn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm và không phải bán hay cầm cố tài sản khi gặp rủi ro thất bại. Hơn nữa, cán bộ tín dụng của tổ chức luôn gần gũi với dân, có những sự giúp đỡ kịp thời để người dân nghèo luôn phát huy được hết khả năng sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện thu nhập và cuộc sống của chính họ.

Điển hình như tại huyện Uông Bí (Quảng Ninh), tổ chức TCVM nằm trong mạng lưới M7 với tên gọi “Quỹ khuyến khích phụ nữ phát triển” đã thu hút được sự tham gia của 7.000 thành viên là phụ nữ. Tham gia tổ chức, chị em phụ nữ không chỉ được vay vốn làm kinh tế với lãi suất thấp mà còn được hướng dẫn cách tiết kiệm tín dụng, làm kinh tế cải thiện thu nhập. Trong số đó, có gần 1.000 thành viên thoát nghèo. Nhiều chị em ban đầu từ hai bàn tay trắng, sau khi tham gia chương trình, đến nay đã trở thành các hộ khá giả ở địa phương.

Tạo dựng tài sản, cải thiện sức khỏe và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục

Nhờ tăng thu nhập, người nghèo có tích lũy tài sản, tiết kiệm và khả năng vay vốn, để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, thuê thêm nhân công tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; mua đất đai xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, vật nuôi. Đơn cử như chị Huyền, thành viên của tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn M7 Chi nhánh Đông Triều. Trước khi bắt đầu vay vốn năm 2004 với số tiền 1.000.000 đồng, gia đình chị thuộc hộ nghèo có thu nhập thấp, với số vốn ít ỏi hai vợ chồng chị đầu tư phát triển mô hình trang trại vườn – ao - chuồng. Sau nhiều năm phấn đấu dành dụm, hiện tại trang trại ngoài việc đảm bảo công việc ổn định cho 2 vợ chồng còn tạo thêm công ăn việc làm cho 6 lao động có việc làm thường xuyên và 12 lao động thời vụ. Thu nhập hàng năm của gia đình chị là 250 triệu đồng/năm, với tổng tài sản trị giá trên 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người nghèo thay vì phải chạy ăn từng bữa, tồn tại từ ngày này sang ngày khác, sẽ có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai. Hộ gia đình có nhiều điều kiện để quan tâm đến dinh dưỡng, cải thiện điều kiện sống, chủ động tìm kiếm và chi trả cho dịch vụ y tế thay vì đến các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ. Tăng thu nhập đồng nghĩa với việc hộ gia đình có thể cho nhiều con của họ tiếp cận dịch vụ giáo dục với thời gian dài hơn và đầu tư nhiều hơn vào giáo dục cho con cái.

Tăng quyền cho người phụ nữ

Trong rất nhiều chương trình TCVM, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng tuyệt vời, chủ yếu của các sản phẩm tài chính. Bởi phụ nữ là những người tiết kiệm tích cực và có tỉ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn đàn ông. Đồng thời, phần lớn trong các hộ gia đình nghèo, họ là trụ cột chính kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tuy nhiên, phụ nữ nghèo cũng chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương ngay tại gia đình mình. Tham gia chương trình của tổ chức TCVM, phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức dẫn tới nhiều lựa chọn hơn đã có thể khiến họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội, họ và chồng đã cùng nhau ra quyết định trong những khía cạnh quan trọng của đời sống. Bằng cách này hay cách khác, họ đang đóng góp đáng kể vào tài chính gia đình và thực tế này giúp họ giành thêm sự tôn trọng từ phía chồng con, có thể thương lượng với chồng giúp đỡ việc nhà, tránh các cãi vã về tiền bạc, và được họ hàng, gia đình nhà chồng coi trọng hơn.