Nghiên cứu thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hành vi lừa đảo
Mặc dù các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại, kinh doanh đa cấp... không phải mới, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”, bởi đối tượng ngày càng tạo nên các tình huống khá tinh vi đánh vào tâm lý của người bị hại. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự như lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai…
Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông gia tăng (như lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng…).
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2019.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
Theo thông tin được Công an TP. Hà Nội mới đưa ra, trong 9 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã nhận được gần 20 đơn, thư tố giác về các hình thức lừa đảo qua mạng internet với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mặc dù thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng phương thức luôn thay đổi khiến nhiều người dân dễ rơi vào bẫy. |