ASEAN 50 năm thành lập: Chương mới cho tương lai

Theo daibieunhandan.vn

Ngày 8/8, Thủ đô của 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đồng loạt kéo cờ kỷ niệm 50 năm thành lập khối. Với chủ đề “Dưới một ánh sáng, chúng ta là một ASEAN”, lễ kỷ niệm một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất đã giúp ASEAN vượt qua chặng đường mà như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Chỉ như cái chớp mắt của lịch sử, song với ASEAN đó là cả một chặng đường dài với bao gian khó nhưng có những mốc son lưu dấu, có những bước lớn mạnh, trưởng thành”.

Lễ thượng cờ ASEAN tại Thủ đô Hà Nội. Nguồn: Internet
Lễ thượng cờ ASEAN tại Thủ đô Hà Nội. Nguồn: Internet

Chặng đường thần kỳ

ASEAN khởi đầu khiêm tốn với chỉ 5 thành viên. Từng bước, khối đã mở rộng và bao trùm 10 nước tại khu vực. Trong cuốn The ASEAN Miracle (Điều thần kỳ ASEAN), tác giả Kishore Mahbubani đánh giá, ASEAN giờ là tổ chức khu vực thành công thứ hai trên thế giới, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU).

Nếu coi toàn bộ khối là một nền kinh tế thì ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 và được dự đoán vươn lên xếp thứ 4 vào năm 2050. Những thành tựu mà ASEAN đạt được rất vĩ đại và phi thường.

Thành công đó đã đánh bại những người hoài nghi và chỉ trích. Nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Indonesia Retno L.P.Marsudi nhận định, Đông Nam Á vốn là nơi mà các cuộc tranh chấp dễ dàng chuyển thành chiến tranh toàn diện, mỗi quốc gia chỉ thiên về cạnh tranh và không muốn cộng tác.

Còn ở tầm thế giới, Đông Nam Á chỉ là một vũ đài để các cường quốc biểu dương sức mạnh. Thế nhưng, nhờ ASEAN, khu vực này đã thoát khỏi các cuộc xung đột vũ trang lớn. ASEAN đã trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực.

Vai trò quan trọng này được thể hiện sinh động qua việc ASEAN xây dựng quan hệ hợp tác nhiều mặt với những đối tác quan trọng trên thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - cơ chế khu vực duy nhất để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương…

Hơn nữa, từ một hiệp hội lỏng lẻo, ASEAN đã tiến triển thành Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. Ngay cả khi một số khu vực đã ít nhiều bị chia rẽ, từ chuyện Anh rời EU (Brexit) đến cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh, ASEAN vẫn giữ được sự thống nhất và ổn định.

Tương lai nằm ở người dân

Với tư cách là một dự án kết nối các chính phủ, cho tới nay, ASEAN đã đạt được thành công đầy kinh ngạc. Để có thể đi tiếp chặng đường 50 năm nữa, ASEAN cần hướng đến trở thành một dự án kết nối người dân.

Người dân ASEAN phải cảm nhận được sự sở hữu và lợi ích của họ với ASEAN như cách chính phủ cảm nhận. Để đạt được mục đích đó, theo nghĩa cụ thể, có ba vấn đề mà ASEAN nên tập trung.

Thứ nhất, thúc đẩy nền kinh tế toàn diện và cạnh tranh có hiệu quả đối với mọi người. Vì tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của một nước thành viên ASEAN gấp 40 lần so với nước thành viên khác, cho thấy sự bất bình đẳng giữa và vẫn là thách thức lớn.

ASEAN phải chấp nhận sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng trong thế giới toàn cầu hóa mà vẫn bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Nền tảng để hạn chế tình trạng bất bình đẳng, chẳng hạn như sáng kiến cho hội nhập ASEAN, phải được tăng cường. Hơn nữa, ASEAN nên làm việc về các hiệp định thương mại như Hợp tác Kinh tế toàn diện Khu vực mang lại lợi ích cho mọi người.

Thứ hai, khai thác tiềm năng to lớn của lao động di cư có tay nghề thấp. ASEAN đã có những bước tiến lớn trong hợp tác, trao đổi chuyên gia có kỹ năng cao thông qua các Hiệp định Thừa nhận lẫn nhau (MRA). Tuy nhiên, phần lớn áp lực của lao động di cư trong khu vực lại không phải các chuyên gia có tay nghề.

Chẳng hạn, MRA chỉ áp dụng đối với 1% tổng lực lượng lao động ở Thái Lan và Indonesia. Và như vậy, ASEAN cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho đối tượng là lao động di cư có tay nghề thấp và trung bình.

Thứ ba, tăng cường thể chế, đặc biệt là củng cố Ban Thư ký ASEAN. Điều này đặc biệt cần thiết khi Khối phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, từ truyền thống tới phi truyền thống.

Như chuyên gia Kishore Mahbubani đã chỉ ra, thách thức lớn nhất đối với sự đoàn kết trong ASEAN đến từ cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh.

Hầu hết thành viên ASEAN đều cố gắng giữ sự trung lập nhưng điều này đang trở nên khó khăn hơn do sự “kéo và đẩy” của các cường quốc.

Song lịch sử đã chỉ ra bài học, chính sách phụ thuộc có thể đem lại phần thưởng ngay lập tức nhưng cũng có thể mang tới những rủi ro dài hạn, đó là nguy cơ bị bỏ rơi hoặc bị sử dụng như một con tốt trên bàn cờ quyền lực.

Vì vậy mọi thành viên ASEAN buộc phải học cách duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Bắc Kinh và Washington, gửi cùng một thông điệp đến 2 nước này.

Nếu ASEAN tan rã, Trung Quốc hay Mỹ đều không phải chịu thiệt hại nặng nề, mà chính ASEAN sẽ phải chịu tổn thất. ASEAN cũng nên thúc đẩy hợp tác với các cường quốc khác để tạo ra sự cân bằng chiến lược tại khu vực.

Trong 50 năm tới, ASEAN sẽ trở thành một “cường quốc” trên thế giới, nhưng quan trọng hơn, Khối sẽ thấm nhuần ý nghĩa sâu xa về quyền của người dân đối với ASEAN, chứ không chỉ là một tổ chức của các chính phủ, nhà ngoại giao hay nhà tài phiệt.

Giờ đây, người dân ở quốc gia thành viên nào đó có thể còn bối rối khi được hỏi ASEAN là gì hay có ý nghĩa gì đối với họ.

Nhưng trong tương lai không xa, người dân các nước thành viên ASEAN sẽ tự tin nói rằng: “Tôi không chỉ là người Việt Nam hay Philippines, tôi là công dân ASEAN”.