Chống chuyển giá: Xây dựng luật, phạt thật nặng

Theo Lưu Thủy/saigondautu.com.vn

Hoạt động chuyển giá của các DN ngày càng phức tạp, tinh vi và không ngừng gia tăng. Song hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Theo báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm có khoảng 40 - 50% DN FDI kê khai lỗ. Trong đó rất nhiều DN lỗ liên tục trong nhiều năm, âm vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.
Lớn nhỏ đều né thuế
Có thể dẫn chứng như Keangnam Vina, một công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc vào Việt Nam tháng 7-2007, lại ký hợp đồng giao cho công ty con của tập đoàn là Keangnam Enterprise làm tổng thầu, với tổng giá trị hợp đồng lên đến 871 triệu USD. Keangnam Enterprise không chỉ khảo sát, thiết kế, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng dự án, mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina.
Các chi phí này lên đến hàng trăm triệu USD, nên 5 năm sau đó Keangnam Vina liên tục báo lỗ và không phải nộp thuế thu nhập DN cho Việt Nam. Việc thanh tra thuế sau đó khiến DN thừa nhận hành vi chuyển giá và điều chỉnh lại lợi nhuận, thuế sau đó.

Theo quy định cơ quan thuế là nơi tiếp nhận báo cáo tài chính của các DN FDI, nhưng lại không có chức năng điều tra về thuế. Vì vậy nếu muốn điều tra các trường hợp chuyển giá phải phối hợp với các đơn vị khác như công an, hải quan… Tuy nhiên, việc phối hợp này thời gian qua cho thấy hết sức lỏng lẻo và phải mất nhiều thời gian. Các DN FDI lợi dụng khoảng trống này để thực hiện hành vi chuyển giá. 

Ông BÙI VĂN NAM,
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế
Những “ông lớn” khác cũng có hành vi chuyển giá như Coca Cola, Pepsi... và chỉ chịu nộp thuế sau thanh tra và bị truy thu thuế. Nhưng cũng có những trường hợp đến nay việc xác định hành vi chuyển giá còn khá “tù mù”.
Thí dụ như Adidas vào Việt Nam từ năm 1993 và báo lỗ liên tục, vì trong vai trò nhà phân phối bán buôn nên nhiều chi phí của họ lại phát sinh theo mô hình của nhà bán lẻ. Chính vì phát sinh quá nhiều chi phí trung gian đầu vào, đã khiến cho giá thành nhập khẩu các sản phẩm Adidas tại thị trường Việt Nam bị đội lên một cách vô lý, khiến DN luôn rơi vào tình trạng thua lỗ và không phải nộp thuế thu nhập.
Không chỉ với các ông lớn, trong 50% DN  FDI đang báo lỗ có sự “đóng góp” rất lớn của các DN vừa và nhỏ của nước ngoài. Đơn cử trong 3 năm đầu tư tại Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Vietnam (100% từ Nhật Bản) tại Hà Nội đã báo lỗ lũy kế đến 777 tỷ đồng. Công ty TNHH điện tử Meiko Vietnam cũng báo lỗ 3 năm 300 triệu đồng, trong khi Nhà máy điện tử Meiko tại Hà Nội là một trong 10 dự án FDI lớn nhất tại thời điểm cấp phép năm 2006...

Lỗ hổng pháp lý 
Trao đổi với ĐTTC, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng việc xác định các DN, đặc biệt là nhóm DN FDI có hành vi chuyển giá hay không hiện nay đang gặp rất khó khăn, vì đa số không nắm được dữ liệu cụ thể. Hiện Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu chung, công khai để các cơ quan thuế và DN cùng tham chiếu để phân tích giá thị trường.
Phía Bộ Công Thương cũng chưa hình thành được các sàn giao dịch hàng hóa lớn để làm căn cứ so sánh giá với các thị trường nước ngoài, nên việc xác định giá thị trường với các giao dịch liên kết là rất khó khăn.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho rằng cái khó trong chống chuyển giá hiện nay Việt Nam vẫn chưa tổ chức một cơ quan chuyên trách về việc xác định mức giá thị trường của một sản phẩm, vì thế không có căn cứ nào để biết DN FDI có thực hiện hành vi chuyển giá hay không. 
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, hành vi chuyển giá của các DN, đặc biệt là các DN FDI tại Việt Nam có nguồn gốc từ việc Chính phủ Việt Nam đã quá ưu đãi các DN, nhất là về thuế. Ưu đãi thuế cho DN có tính hai mặt.
Một mặt vì Chính phủ Việt Nam muốn kích thích kêu gọi đầu tư, muốn tạo đột phá phát triển, nên chấp nhận các điều kiện ưu đãi mà đôi khi DN đặt ra theo các “gói”, trong đó có cả thuế. Mặt khác, khi đã thực hiện ưu đãi thuế cho DN, vấn đề đặt ra là liệu rằng những ưu đãi thuế và giá trị kinh tế thu lại có bù được cho những gì mất mát về số thu trong chuyển giá hay không.

Học hỏi kinh nghiệm từ các nước
Về những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam để kiểm soát hành vi chuyển giá của các DN, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế ADB cho rằng, Việt Nam nên có sự tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia trong việc kiểm soát hành vi chuyển giá, để từ đó làm cơ sở xây dựng chính sách cho mình. Cụ thể như trường hợp Hoa Kỳ, họ rất quan tâm đến khung pháp lý điều chỉnh định giá chuyển nhượng trong nội bộ tập đoàn.
Ngoài ra, họ cũng thực hiện bắt buộc xuất trình các tài liệu minh chứng và coi trọng các biện pháp xử lý khi có bằng chứng vi phạm. Khi cơ quan thuế chứng minh được có sự vi phạm trong việc định giá chuyển giao nhằm trốn thuế, cơ quan thuế có quyền điều chỉnh lại thu nhập của đối tượng nộp thuế, và áp dụng mức phạt từ 20-40% số thuế khai thiếu bị phát hiện do gian lận qua định giá chuyển giao.
Đối với Trung Quốc, vấn đề kiểm soát chuyển giá cũng được thực hiện rất chặt chẽ. Người nộp thuế được yêu cầu nộp các tài liệu liên quan về giao dịch với các bên liên kết như giá cả, tiêu chuẩn xác định chi phí, phương pháp tính toán và giải thích khi được kiểm toán...
Nhìn chung, các quy định chống chuyển giá của Trung Quốc cũng xây dựng dựa trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). 
Theo ông Nguyễn Minh Cường, trước mắt Việt Nam nên nghiên cứu vận dụng các phương pháp định giá chuyển giao do OECD đề xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm minh để xử phạt các DN khi phát hiện vi phạm.
Vì thực tế, ngoài việc truy thu số thuế bị phát hiện khai thiếu do không tuân thủ quy định pháp luật về kiểm soát chuyển giá, nhiều nước hiện nay không chỉ xử phạt về thủ tục, mà còn xử phạt về hành vi khai thiếu thuế rất nặng, buộc các DN phải thực hiện nghiêm túc.