Đầu tư nước ngoài vào Hà Nội tăng 2,6 lần so với cùng kỳ

Theo baoquocte.vn

10 tháng đầu năm 2016, TP. Hà Nội thu hút 445 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,8 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là thông tin được ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội đưa ra tại buổi giao ban báo chí hàng tuần của Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều nay (15/11), tại Hà Nội.

Cũng theo thông tin từ Sở KH&ĐT Hà Nội, từ đầu năm đến nay mức tăng trưởng kinh tế Hà Nội, quý sau luôn cao hơn quý trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố ước tăng 8,03%, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.  

10 tháng đầu năm 2016, vốn FDI đăng ký mới đầu tư vào Hà Nội tăng mạnh và tập trung vào những lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư của thành phố. Một số dự án điển hình như Dự án Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Samsung (300 triệu USD), Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (227 triệu USD); Công ty Vietnamobile tăng vốn (208 triệu USD), Dự án Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Public Việt Nam (134 triệu USD)...

Theo đánh giá của Sở KH&ĐT Hà Nội, cùng với sự gia tăng về giá trị vốn đầu tư đăng ký mới, các doanh nghiệp đã được cấp phép cũng có kết quả thực hiện dự án tương đối tốt. Kết quả thực hiện giải ngân vốn và chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, đóng góp của khối doanh nghiệp FDI đều có sự tăng trưởng, điều này cho thấy niềm tin vào thị trường và hiệu quả trong hoạt động.

Báo cáo của Sở KH&ĐT cũng cho thấy, lũy kế đến tháng 11/2016, Hà Nội đã thu hút và triển khai 98 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 4,8 tỷ USD, trong đó giá trị đã ký kết là 3,2 tỉ USD, đã giải ngân 1,05 tỉ USD, đạt 33,38% giá trị đã ký kết và 22,1% giá trị cam kết. Tỉ trọng lớn nhất trong tổng số các dự án ODA là lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị (56%), cấp, thoát nước và xử lý nước thải (31,8%).

Vốn đăng ký của các dự án ngoài ngân sách nhà nước đạt 423,8 nghìn tỉ đồng. Trong đó có 163 dự án trong nước với 161,246 nghìn tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 277.950 tỷ đồng, tăng 10%.

Được biết, năm 2016, dự kiến số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao với 22.922 doanh nghiệp mới, tăng 19% (vốn đăng ký 203.765 tỷ đồng, tăng 42%). “Năm 2016, thành phố đã giới thiệu danh mục 52 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và 43 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư khoảng 711 nghìn tỉ đồng”, ông Nam nhấn mạnh.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI - trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, giấy phép đầu tư…

Theo đại diện Sở KH&ĐT, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, công nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường quản lý đầu tư nguồn vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản đạt yêu cầu, chất lượng, tiến độ.