Giải pháp phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019

Vùng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.

Vùng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.
Vùng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, địa phương này ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tuy nhiên, việc phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng hồ Thác Bà để phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng hồ Thác Bà còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu đặc điểm kinh tế và đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế tại vùng hồ Thác Bà có ý nghĩa rất quan trọng.

Đặc điểm phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà

Yên Bái là một tỉnh nằm trong khu vực Tây Bắc đất nước, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh Yên Bái đã có những bước phát triển mới theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ sản xuất manh mún, phân tán sang sản xuất hàng hóa.

Vùng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bao gồm 21 xã, thị trấn trong tổng số 26 xã, thị trấn của huyện Yên Bình. Hiện nay, việc phát triển mạnh thủy sản gắn với quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà cũng như công tác phát triển du lịch trên vùng hồ Thác Bà còn chưa có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Thuận lợi

Vùng hồ Thác Bà có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với diện tích khoảng 15.900 ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ và hang động tự nhiên như động Thủy Tiên (xã Tân Hương, Mông Sơn), động Cẩu Quây (xã Xuân Long). Nơi đây được xác định là một trong 47 địa điểm có tiềm năng phát triển trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch sinh thái hồ kết hợp bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch thể thao dưới nước và vui chơi giải trí. Ngoài ra, vùng này còn có các điểm di tích lịch sử văn hóa như: Đền thờ Mẫu Thác Bà, đình Khả Lĩnh… Mang lại những tiềm năng cho phát triển dịch vụ du lịch tâm linh, văn hóa.

Vùng Hồ Thác Bà còn có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu; trồng cây công nghiệp chè, cao su, cây ăn quả và là tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, phát triển công nghiệp năng lượng và du lịch dịch vụ.

Các tài nguyên thiên nhiên của vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình khá phong phú. Ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng còn kể đến một số khoáng sản: Đá vôi hoang hóa có độ trắng cao, đá vôi vật liệu xây dựng, chì, kẽm, pyrit, cao lanh, fenpat với trữ lượng khá lớn. Vùng có nhiều tiềm năng về khoáng sản nên có thể phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Về khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh kể trên, vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế:

- Vùng hồ có địa hình phức tạp, độ dốc lớn và bị chia cắt bởi sông suối và hồ Thác Bà nên rất khó khăn cho việc đi lại và sản xuất.

- Trình độ dân trí trong vùng không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo và xuất khẩu lao động đạt thấp, giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao.

- Tiềm năng thế mạnh của vùng chưa được khai thác, sử dụng triệt để.

- Cơ sở hạ tầng tuy đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, song vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông chưa tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Một số mô hình phát triển kinh tế hiện nay ở vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình

Trong những năm gần đây, vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cụ thể:

- Mô hình nuôi cá quây và nuôi tôm trên hồ Thác Bà: Bắt đầu từ năm 2014, người dân huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có cách làm sáng tạo là nuôi cá theo hình thức lưới quây trên mặt nước hồ Thác Bà. Người dân nuôi cá trên mặt nước hồ với 2 hình thức là nuôi trong lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước. Đây là hướng đi mới, phù hợp giúp người dân vùng Hồ xóa đói giảm nghèo, đồng thời đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Yên Bình. Mô hình này được đánh giá cao nhờ mức độ đầu tư ít, thị trường tiêu thụ cá thương phẩm lớn và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động. Với số vốn ban đầu bỏ ra ít, giống cá nuôi khá đa dạng từ các nheo, cá tầm và nhiều loại cá khác, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, sản lượng tôm đánh bắt hàng năm trên hồ Thác Bà cũng rất lớn (trong đó, vào mùa đánh bắt, sản lượng tôm toàn vùng hồ Thác Bà có thể lên tới 10 tấn/ngày. Xã Mông Sơn là một trong những xã vùng hồ có bến tôm lớn nhất huyện Yên Bình. Vào mùa đánh bắt từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi ngày bến Mông Sơn thu mua của bà con trong vùng từ 2-3 tấn tôm, chiếm 1/3 sản lượng đánh bắt của hồ Thác Bà. Hiện nay, 1/3 số dân của xã Mông Sơn sống bằng nghề đánh bắt tôm trên hồ, trong điều kiện sản lượng tôm đang có chiều hướng giảm mạnh thì việc nuôi tôm trên Hồ là một hướng đi tốt.

- Mô hình đan rọ tôm: Nghề đan rọ tôm có ở thôn Đồng Tâm (xã Phúc An, huyện Yên Bình) xuất hiện từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ XX. Trải qua thăng trầm của thời gian, người dân thôn vùng Hồ Thác Bà vẫn gìn giữ và phát triển nghề đan rọ tôm. Đây là nghề nuôi sống nhiều hộ dân trong thôn, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Để thúc đẩy nghề đan rọ tôm phát triển, ngày 18/7/2017, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định công nhận làng nghề đan rọ tôm tại thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, thuộc vùng Hồ Thác Bà, huyện Yên Bình là làng nghề nông thôn đầu tiên của huyện Yên Bình.

- Mô hình du lịch cộng đồng - Homestay: Du lịch cộng đồng – homestay tại khu vực phía Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đang là một trong những hình thức du lịch thu hút du khách tham gia, mang lại thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa của các dân tộc và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng...

Để phát triển loại hình du lịch homestay, các hộ gia đình đã cải tạo ngôi nhà của mình và tự trang bị cho khách những đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Ngoài ra, các gia đình còn kết hợp bán một số mặt hàng địa phương làm quà lưu niệm như: thổ cẩm, quần áo dân tộc, đệm ghế, gối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan..., góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển, đóng góp nguồn thu cho địa phương.

Phương hướng phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà thời gian tới

Những năm qua, vùng hồ Thác Bà có nhiều thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tuy nhiên vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng và thế mạnh của vùng. Để phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà bền vững và hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, phát triển đa dạng các loài thủy sản để sản xuất theo nhu cầu thị trường; đưa các giống cá có năng suất, chất lượng cao vào nuôi bán thâm canh và thâm canh; Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp với người sản xuất. Các xã, thị trấn ven hồ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển thủy sản.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà; triệt phá tối đa tình trạng sử dụng lưới mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng đèn, kích điện, chất nổ, hóa chất để khai thác thủy sản trái phép.

Thứ ba, phát triển công nghiệp theo hướng khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương gắn với bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu trong các lĩnh vực nông, lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển công nghiệp điện; một số ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn...

Thứ tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung gắn với nguồn nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Thứ năm, tập trung thu hút nguồn lực đầu tư vào công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành thăm dò khai thác chế biến đá vôi trắng, chì, kẽm… sản xuất xi măng, tấm lợp, khai thác đá, cát, sỏi xây dựng.

Thứ sáu, tiếp tục phát triển mạnh thương mại, đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt; Mở rộng các loại thị trường với các hình thức kinh doanh đa dạng và quy mô phù hợp với từng vùng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng; Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực...

Thứ bảy, đầu tư khai thác các tiềm năng khu du lịch vùng hồ Thác Bà, mở rộng khu du lịch sinh thái Tân Hương, khu du lịch cộng đồng Ngòi Tu xã Vũ Linh, Đát Ô Đồ, thôn Đồng tý xã Phúc An; Trùng tu và bảo tồn các di sản văn hoá tín ngưỡng như Đình Khả Lĩnh (xã Đại Minh), đền Mẫu Thác Bà, đền Phúc Hòa (xã Hán Đà), Đền chùa Thác Ô Đồ (xã Phúc An), các khu di tích lịch sử văn hoá gắn với phát triển du lịch…

Thứ tám, để mô hình homestay ở vùng hồ Thác Bà được lan rộng và thực sự hiệu quả, các hộ kinh doanh loại hình du lịch homestay cần được hướng dẫn cách tổ chức và phục vụ các đoàn khách cụ thể từ: phòng nghỉ, các món ăn, những điểm tham quan, hướng dẫn khách trong các sinh hoạt của gia đình, cách trò chuyện với khách, giới thiệu văn hóa của địa phương...; Cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc đầu tư, xây dựng một số công trình thiết yếu để phục vụ khách du lịch; cần thăm quan học hỏi tại các địa phương đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch, nhằm đưa loại hình dịch vụ homestay ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy du lịch Yên Bái, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Thứ chín, đẩy mạnh tốc độ phát triển của các dịch vụ hiện có, mở rộng dịch vụ làm đất, tưới tiêu, thú y và bảo vệ thực vật, chú trọng dịch vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Xây dựng các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng các loại hình dịch vụ: dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, máy cơ khí nông nghiệp tạo việc làm cho lao động nông thôn, giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Thứ mười, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.        

Tài liệu tham khảo:

  1. Uỷ ban nhân dân huyện Yên Bình (2018), Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tạp chí Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
  2. Trần Đình Tuấn, Trần Quang Huy (2017), Định hướng phát triển kinh tế huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 – 2025.
  3. Trần Đình Tuấn, Trần Quang Huy (2017), Một số vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, Tạp chí Tài chính.
  4. http://baoyenbai.com.vn
  5. http://www.yenbai.gov.vn