Kết hợp đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

PV.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước có dấu hiệu chững lại nhưng nhìn chung kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại tệ khá, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá... sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng GDP những tháng cuối năm đạt mục tiêu đã đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nhìn lại kinh tế 6 tháng đầu năm 2016

Theo số liệu Tổng cục Thống kê cho biết: Trong mức tăng 5,52% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12% (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 7,09%), đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35% (quý I tăng 5,98%; quý II tăng 6,68%), đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy hải sản giảm 0,18% (quý I giảm 1,31%; quý II tăng 0,36%), làm giảm 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm trước, ngành xây dựng tăng 8,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,6%; quý II tăng 7,5%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015.

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,09 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 10%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 2,22 điểm phần trăm.

Kết hợp đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt 7,5-8,0% được đánh giá là nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng Chính phủ vẫn rất kiên định với mục tiêu đã đề ra.

Bàn về giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành điều hành chủ động linh hoạt, đảm bảo hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định, với sức ép tăng lãi suất là rất lớn, vì vậy điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát.

Ngoài việc điều hành giá nói chung, theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác để tránh tác động tới điều hành lãi suất. Hiện nay, nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn nên cần chủ động, linh hoạt trong điều hành để giữ ổn định lãi suất cho vay.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần tập trung thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và nưng lực cạnh tranh giai đoan 2013-2020 đồng thời đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Các cấp, các ngành tiêp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách hỗ trợ và phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra, theo Tổng cục Thống kê, cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đồng thời cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động đến CPI.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam khuyến nghị: Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn, các dư địa tăng trưởng về phía cầu hạn chế, cần tập trung thúc đẩy cung. Việc tác động này bao gồm các biện pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hiện nay mà Thủ tướng và toàn bộ Chính phủ hiện đang thực hiện quyết liệt. Đồng thời, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động.