Kiểm định chất lượng – Công cụ nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp

Xuân Anh – Văn Thu

Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được xác định là một trong những công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục GDNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức đánh giá cấp thẻ cho khoảng 1.500 kiểm định viên chất lượng GDNN.
Tổng cục GDNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức đánh giá cấp thẻ cho khoảng 1.500 kiểm định viên chất lượng GDNN.

Bước tiến trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Trong những năm qua, các hoạt động nghiên cứu về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam đã dần đi vào thực chất và đạt hiệu quả thiết thực. Cụ thể như sau:

Kiểm định chất lượng dạy nghề theo quy định của Luật Dạy nghề

Các hoạt động nghiên cứu về kiểm định chất lượng GDNN tại Việt Nam bắt đầu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án ODA Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề, do Tổng cục GDNN triển khai thực hiện (Dự án VTEP/1999-2009). Từ kết quả của Dự án, kiểm định chất lượng dạy nghề lần đầu tiên được quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006 (Chương VIII, từ Điều 73 đến Điều 78). Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành hệ thống kiểm định chất lượng GDNN tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật Dạy nghề năm 2006, công tác kiểm định chất lượng GDNN đã đạt được những kết quả bước đầu như: Đã ban hành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng dạy nghề khá đồng bộ; Hình thành và kiện toàn tổ chức quản lý kiểm định dạy nghề ở Tổng cục Dạy nghề là Cục Kiểm định chất lượng GDNN; Đã xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo cán bộ tự kiểm định chất lượng cơ sở GDNN; Đã kiểm định, công nhận kết quả kiểm định đối với 184 cơ sở GDNN với tổng số 239 lượt kiểm định.

Kiểm định chất lượng dạy nghề theo quy định của Luật GDNN

Phải nói rằng, Luật GDNN năm 2014 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hệ thống kiểm định chất lượng GDNN tại Việt Nam.

Triển khai Luật này trong thực tế đã đạt được những kết quả nổi bật sau: Đã ban hành các quy định để triển khai công tác kiểm định chất lượng GDNN; Hướng dẫn các đơn vị thực hiện các thủ tục để đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN xem xét cấp giấy chứng nhân; Đã chuẩn bị các điều kiện để cấp thẻ cho những người được cấp trong giai đoạn chuyển tiếp theo Nghị định số 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng GDNN; Đã ban hành chương trình bồi dưỡng giảng viên hạt nhân cho các lớp đào tạo kiểm định viên chất lượng GDNN.

Theo Tổng cục GDNN, sau 3 năm triển khai Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” thuộc Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020, Dự án đã xây dựng được 40 đề thi phục vụ cho việc đánh giá cấp thẻ kiểm định viên GDNN; Đào tạo, bồi dưỡng cho 380 kiểm định viên chất lượng GDNN; Tổ chức đánh giá cấp thẻ cho 540 kiểm định viên chất lượng GDNN; Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo đảm chất lượng cho 1.200 cán bộ, giáo viên, giảng viên tại các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề.

Cùng với đó, Dự án đã triển khai thí điểm việc thiết lập và vận hành cơ chế bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo cho 20 nghề trọng điểm quốc gia; Hỗ trợ 32 cơ sở GDNN thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở GDNN và kiểm định chất lượng 01 chương trình đào tạo...

Kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế

Thực hiện một số chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, công tác kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đến nay đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức thí điểm đánh giá toàn diện 2 trường cao đẳng theo tiêu chuẩn của Anh quốc; phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã triển khai thí điểm đánh giá 3 trường cao đẳng theo khung chất lượng đánh giá chất lượng trường nghề đang áp dụng tại bang Sachen của Cộng hòa Liên bang Đức.

Việc đẩy mạnh hoạt động kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN đã giúp các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc đẩy mạnh hoạt động kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN đã giúp các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, cán bộ của Tổng cục GDNN và kiểm định viên trong nước tham gia vào dự án cũng được tăng cường năng lực, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế về đánh giá, công nhận chất lượng GDNN…

6 nội dung phát triển hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh hoạt động kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN đã giúp các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó tạo đột phá về chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để công tác kiểm định chất lượng GDNN đi vào thực chất và hiệu quả, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nội dung sau:

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế quy định tại các văn bản, chính sách hiện hành về kiểm định chất lượng GDNN.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm định chất lượng GDNN, có sự kết nối thông tin về đảm bảo chất lượng giữa cơ sở GDNN và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cơ sở đào tạo cần cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước phụ trách các chỉ số/dữ liệu quan trọng phản ánh hiệu quả hoạt động của cơ sở GDNN.

Ba là, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kiểm định và đảm bảo chất lượng GDNN, có chiến lược phát triển, đào tạo đội ngũ kiểm định viên chất lượng GDNN đảm bảo đạt chuẩn trình độ, kỹ năng theo quy định.

Bốn là, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở GDNN, công tác tự đánh giá chất lượng GDNN tiến tới xây dựng văn hóa chất lượng trong các cơ sở GDNN; tích cực hỗ trợ các cơ sở GDNN về triển khai, áp dụng các công cụ đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở GDNN.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng GDNN, huy động sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể liên quan đến GDNN, đặc biệt là người học và người sử dụng lao động.

Sáu là, tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế về kiểm định và công nhận chất lượng GDNN; phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng, chuyển giao các công cụ quản lý tiên tiến hiện đại cho các cơ sở GDNN; phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện đánh giá công nhận theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, nhân rộng các kết quả thu được từ các dự án hợp tác

Trong thời gian tới, Tổng cục GDNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức đánh giá cấp thẻ cho khoảng 1.500 kiểm định viên chất lượng GDNN; Đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 600 kiểm định viên chất lượng GDNN; Hỗ trợ các cơ sở GDNN để thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở GDNN và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc gia tại 84 trường Cao đẳng, Trung cấp nghề.