Kinh tế miền Trung: Làm gì để thoát khỏi "điểm nghẽn"?

Theo Tuấn Vỹ/enternews.vn

Cần phải thoát ra các điểm nghẽn để việc phát triển kinh tế miền Trung thực sự mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Nguồn: Internet.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Nguồn: Internet.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (miền Trung) gồm 14 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận - là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh. Miền Trung đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban châp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Biển miền Trung là tài nguyên Quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, chiều dài đường bờ biển là 1900 km là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế  biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế rất lớn.

Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây.Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung gồm có 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định đứng thứ 3 trong 4 vùng KTTĐ cả nước.

Tiềm năng lớn

Báo cáo tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra những con số cho thấy sự phát triển kinh tế miền Trung hiện nay.

Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6 tháng năm 2019 của 14 tỉnh thành miền Trung ước đạt khoảng 8,05%, cao hơn bình quân chung cả nước (6,76%). 

Trước đó, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước), trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp và xây dựng là 10,36%/năm, ngành dịch vụ tăng bình quân 7,22%/năm và ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 3,62%/năm.

Theo đó, GRDP bình quân đầu người của vùng tăng từ 1.850 USD/người năm 2016 lên 2.074 USD/người năm 2018, đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế, bằng 80% trung bình của cả nước (2.587 USD), vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1114/QĐ-TTg.

Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế vùng chuyển biến tích cực và dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực dịch vụ chiếm 41,59%, khu vực công nghiệp 32,85%, khu vực nông, lâm ngư nghiệp 16,75% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm 8,81%.

Mức tăng trưởng công nghiệp-xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 toàn vùng đạt khoảng 10,36%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước 8,1%. Có 10/14 địa phương tăng trưởng đạt cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước, trong đó Thanh Hóa 15,8% nhờ động lực tăng trưởng của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Hà Tĩnh 10,67% do đóng góp của dự án thép Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng, Quảng Nam đạt 13,65% với động lực tăng trưởng là dự án lắp ráp ô tô Trường Hải trong Khu kinh tế Chu Lai.

Ngoài ra, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2018 đều đạt và vượt dự toán các năm, tốc độ tăng thu nội địa bình quân đạt 14,2%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước là 9,66%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hàng năm và cao hơn cả nước.

3 nhóm giải pháp đẩy mạnh sự phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù kinh tế miền Trung đạt được nhiều kế quả vượt bậc nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn trong việc phát triển kinh tế. Thông qua Hội Nghị, ông Dũng cũng đưa ra những giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế thực sự đi đúng hướng trong tương lai.

Thứ nhất, là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước.

Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển.

Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, trong nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố trong vùng, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, là nhóm giải pháp về nguồn lực. Theo đó, ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng. 

Xem xét huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước.