Làm gì để huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học?

Minh Anh

Nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn tài chính cho giáo dục đại học hiện nay còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa… Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở giáo dục đại học cần tự chủ trong việc huy động các nguồn lực từ xã hội, liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghị định số 16/2015/ NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định, nguồn tài chính của các trường đại học công lập (ĐHCL) và cách thức huy động của từng nguồn hiện nay là: (i) Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cấp; (ii) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; (iii) Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định; (iv) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; (v) Nguồn tài chính có từ những giao dịch tài chính của các trường ĐHCL theo quy định của pháp luật (vốn vay, vốn huy động, lãi tiền gửi ngân hàng…); (vi) Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật; (vii) Nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Nguồn NSNN cho giáo dục đại học (GDĐH) là các khoản chi NSNN cho các cơ sở GDĐH công lập. Bên cạnh đó, một phần NSNN chi cho GDĐH để thực hiện chính sách, chế độ của Nhà nước đối với sinh viên học tập tại các cơ sở GDĐH ngoài công lập.

Trong giai đoạn 2013 - 2018, ước tính NSNN chi khoảng 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục - đào tạo, đạt khoảng 172.905 tỷ đồng cho GDĐH (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho các trường ĐHCL và một phần NSNN chi thường xuyên để thực hiện chính sách, chế độ của Nhà nước đối với sinh viên học tập trong các trường đại học ngoài công lập…)

Cơ chế tài chính (gồm chi NSNN cho GDĐH; phương pháp phân bổ NSNN cho GDĐH) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cơ sở GDĐH công lập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tài chính cho GDĐH ở Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế như: Nguồn tài chính cho GDĐH còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa; cơ chế tài chính cho GDĐH (gồm chi NSNN cho GDĐH; phương pháp phân bổ NSNN cho GDĐH) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/ NĐ-CP; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP còn mang tính bình quân, dựa trên khả năng của NSNN và các yếu tố đầu vào khác, chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra hoặc các chính sách về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công…

Đề khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chi cho giáo dục – đào tạo; bảo đảm mục tiêu “Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo”.

Các bộ, ngành chức năng có liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các chính sách vĩ mô về chi NSNN cho giáo dục – đào tạo và GDĐH, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục – đào tạo và GDĐH, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với pháp luật hiện hành.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu để từng bước giải quyết các vấn đề bất cập về học phí trong các cơ sở GDĐH, đảm bảo lợi ích của cơ sở GDĐH, nhưng phải phù hợp với điều kiện kinhtế xã hội đất nước.

Cùng với đó, cần nghiên cứu đề xuất để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người học, ví dụ chính sách về tín dụng đào tạo, chính sách học bổng, chính sách miễn, giảm học phí đối với đối tượng chính sách...

Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Nhà nước về tín dụng, về đầu tư, các chính sách xã hội hóa, các cơ sở GDĐH cần tự chủ trong việc huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội, liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, hướng tới mục tiêu đa dạng và lành mạnh hóa nguồn tài chính cho GDĐH.