Thu hút vốn FDI “về đích” sớm

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Dù còn 3 tháng nữa mới hết năm, nhưng nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã vượt mục tiêu kế hoạch của cả năm. Điều này cho thấy, việc thu hút vốn FDI của Việt Nam đang trên đà phục hồi sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới và trong nước.

Thu hút vốn FDI “về đích” sớm
Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác kỹ thuật cao tại Công ty Odim (Hoa Kỳ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: internet
Vượt hơn 1 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kê hoạch - đầu tư), tính đến cuối tháng 9/2013, cả nước có 872 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 9,3 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2012 và 340 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 5,7 tỷ USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 15 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Về lĩnh vực đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được sự quan tâm với 400 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 13 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588 triệu USD, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 116 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 381 triệu USD.

Như vậy, với nguồn vốn thu hút nói trên, lượng vốn FDI đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra hơn 1 tỷ USD. Ngoài lượng vốn thu hút vượt kế hoạch năm, tiến độ giải ngân các dự án FDI đạt mức khá cao và các dự án FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của cả nước. Từ đầu năm đến nay, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,62 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Nâng cao hiệu qu

Đề cập đến những giải pháp thu hút đầu tư, đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới sẽ rà soát quỹ đất, chính sách giá cho thuê đất, cơ sở hạ tầng để chuẩn bị thu hút đầu tư năm 2014; rà soát tiến độ triển khai, khó khăn, vướng mắc của các khu công nghiệp mới và mở rộng.

Đồng thời, tập trung xây dựng khu kỹ nghệ Việt - Nhật tại khu công nghiệp Hiệp Phước để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực công nghệ cao; rà soát hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu chế xuất-khu công nghiệp; tăng cường cải cách hành chính. Còn đại diện Sở kế hoạch - đầu tư tỉnh Đồng Nai cho hay, để thu hút và tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào tỉnh, thời gian tới sẽ tập trung cải cách hành chính, kết nối hạ tầng, đối xử bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư; tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao và phù hợp vào Việt Nam, đồng thời đảm bảo kiểm soát công nghệ nhập khẩu; hoàn thiện các quy định nhằm hướng dẫn và kiểm soát môi trường…

Mặt khác, điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư. Hoàn thiện tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 9 tháng đầu năm đạt gần 64 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 66,29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI 9 tháng đầu năm đạt hơn 54 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,42% tổng kim ngạch nhập khẩu.