Tác động của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đến kinh tế:

Thúc đẩy niềm tin, sẵn sàng hợp tác

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Nhìn nhận về tác động của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 đối với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tỏ ra lạc quan cho rằng, đây sẽ là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, qua đó thu hút các nguồn vốn đầu tư cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, du lịch

TS. Lê Xuân Sang
TS. Lê Xuân Sang

Theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS. Lê Xuân Sang, việc được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 có ý nghĩa rất quan trọng với Việt Nam. Điều này thể hiện sự gia tăng vai trò trung gian hòa giải đáng tin cậy, nhất là sức mạnh mềm của Việt Nam, qua đó thúc đẩy lòng tin, sẵn lòng hợp tác với Việt Nam nhiều hơn từ các nước, đối tác trên thế giới.

Đồng thời, Hội nghị còn là cơ hội quảng bá hiếm có về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, năng động, đang mở cửa, hội nhập và phát triển. Do đó, ngoài lợi ích về chính trị, Hội nghị chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích kinh tế. Lợi ích này cần nhìn nhận trên 2 phương diện ngắn và dài hạn.

Về ngắn hạn, xét trong mức chi phí và lợi ích thu được, bài học từ kinh nghiệm của Singapore tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 1 vào năm ngoái cho thấy, khả năng thu lợi là rất lớn mặc dù khó ước lượng chính xác. Các chuyên gia ước tính, nước này đã chi khoảng 14,8 triệu USD phục vụ Hội nghị, trong đó lợi ích thu về với ngành du lịch tăng 38 lần với khoảng 550 triệu USD. Riêng hiệu quả từ công tác truyền thông, các chuyên gia ước tính đạt khoảng 150 triệu USD. Rõ ràng, tính theo hiệu suất chi phí và đầu tư thì việc tổ chức Hội nghị này mang lại lợi ích rất lớn. Và đối với Hội nghị hiện tại, chúng ta hoàn toàn có quyền tin vào lợi ích kinh tế trong ngắn hạn dù có thể mức chi khác Singapore.

Thêm vào đó, sự có mặt của khoảng 3.000 phóng viên quốc tế tham gia đưa tin về Hội nghị là cơ hội tuyệt vời để quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam. Có thể nhìn thấy cơ hội rất lớn đến ngay và rõ nhất là đối với ngành truyền thông, du lịch và bán lẻ. Tại Singapore, ở những địa điểm diễn ra các sự kiện trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 1 hoặc những khách sạn được chọn hoặc hoãn chọn là nơi cư trú của phái đoàn hai nước đều kinh doanh tốt hơn sau đó.

Còn về dài hạn, sự kiện này góp phần tạo dựng lòng tin của bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, đáng tin cậy, đang mở cửa hội nhập. Điều này tiếp tục tăng sức mạnh mềm để từ đó mở rộng các mối quan hệ, kể cả trên phương diện kinh tế khi thu hút mạnh hơn các luồng vốn đầu tư, du lịch và các cơ hội kinh doanh khác.

Riêng đối với Triều Tiên, hình mẫu cải cách, mở cửa nền kinh tế của Việt Nam đã được quan tâm, nhất là vài ba năm gần đây. Hội nghị là cơ hội để cho phái đoàn Triều Tiên chiêm nghiệm, chứng kiến những thành tựu của quá trình đổi mới, cải cách định hướng thị trường và mở cửa, hội nhập, qua đó quyết định hình mẫu cải cách, phát triển kinh tế của đất nước mình. Có thể nói, đây là cơ hội để hai nước, nhất là đối với Triều Tiên đi đến hợp tác, trao đổi kinh nghiệm cải cách, mở cửa và có các hoạt động kinh tế chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Ông Đinh Văn Hương.
Ông Đinh Văn Hương.

Đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đinh Văn Hương cho rằng, việc tổ chức Hội nghị này là cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Theo đó, nhiều người sẽ biết đến Việt Nam nói chung cũng như các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rau quả nói riêng. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sẽ thuận lợi hơn, đạt hiệu quả hơn khi có nhiều người biết đến sản phẩm của Việt Nam.

Hiện, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong sản xuất rau quả. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang hơn 50 thị trường. Trong năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt 3,52 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2017. Trong đó, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch 2,78 tỷ USD, chiếm 73%. Tiếp đến là thị trường Mỹ với 139,9 triệu USD, tăng 37% so với năm 2017… Đặc biệt mới đây Mỹ đã cho phép nhập khẩu xoài Việt Nam sau 10 năm đàm phán, mở ra cơ hội lớn cho ngành rau quả trong nước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị thật tốt. Các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày một cao về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc, trong khi đây vẫn đang là những khâu yếu của doanh nghiệp nước ta. Để tận dụng tối đa các cơ hội mang lại, các doanh nghiệp trong nước cần cải tiến khâu sản xuất, trồng trọt đến phân phối, bảo quản, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài

TS. Lê Huy Khôi
TS. Lê Huy Khôi

Ở một góc nhìn khác về đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, TS. Lê Huy Khôi, phụ trách Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, thông qua Hội nghị, việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam sẽ tạo được sự quan tâm, thu hút đối với bạn bè quốc tế.

Đây là cơ hội rất rõ ràng cho phát triển ngành du lịch và dịch vụ của Việt Nam, qua đó gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khả năng xuất khẩu tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đồng thời, sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới trong thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ; thiết bị điện tử và thông tin; chế biến, chế tạo, nông lâm nghiệp và thủy sản… Ngoài ra, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Bên lề Hội nghị sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam với Mỹ và Triều Tiên. Điều này tạo ra những kỳ vọng lớn, là cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ và Triều Tiên trên các lĩnh vực mà mỗi bên có tiềm năng.

Cụ thể, đối với Triều Tiên, đây là cơ hội vô cùng quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - thương mại. Triều Tiên là quốc gia có tình thân hữu với nước ta với mối quan hệ được xây đắp lâu năm nhưng thực tế hai bên lại chưa có hợp tác tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mỗi bên. Chắc chắn, qua các cuộc gặp, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai bên sẽ được đẩy mạnh và phát triển, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của hai nước có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách thuận lợi và dễ dàng hơn.

Đối với Mỹ, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, cuộc chiến thương mại của Mỹ và các nước EU, đặc biệt là với Trung Quốc vẫn còn đang diễn biến căng thẳng, nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết. Qua các đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục củng cố thêm niềm tin chiến lược và lâu dài, đồng thời sẽ mở ra những cơ hội mới to lớn hơn để hai bên có thể cùng hợp tác phát triển.