Thúc đẩy tiêu dùng xanh của các hộ gia đình Việt Nam hiện nay


Tiêu dùng xanh đang được xem là xu hướng tiêu dùng của thế kỷ 21 khi môi trường trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tiêu dùng xanh của các hộ gia đình ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam với việc tập trung vào các mục tiêu: Xanh hóa sản xuất; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Bài viết phân tích thực trạng tiêu dùng xanh ở Việt Nam nói chung và ở TP. Hà Nội nói riêng, từ đó đưa ra giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh của các hộ gia đình trong thời gian tới.

Xu hướng tiêu dùng xanh

Tiêu dùng xanh đang được xem là xu hướng tiêu dùng của nhân loại khi môi trường trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, họ coi trọng hơn đến hành vi mua thân thiện với môi trường. Số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy, thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng.

Tiêu dùng bền vững hay tiêu dùng xanh là khái niệm được đưa ra sau khi xu thế sản xuất và tiêu dùng dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến việc cạn kiệt về rừng, tranh chấp nguồn nước, đánh bắt thủy hải sản vô tội vạ, mất dần đa dạng sinh học, ngày càng có nhiều loại động thực vật biến mất…

Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tiêu dùng xanh hiện cũng đã tương đối phổ biến ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam với việc tập trung vào các mục tiêu: Xanh hóa sản xuất; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Thực trạng tiêu dùng xanh tại TP. Hà Nội

Dù hiện nay, Việt Nam đã có những bước tiến bộ về tiêu dùng xanh song quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động tiêu dùng xanh của người tiêu dùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, tiêu dùng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại TP. Hà Nội - nơi tập trung hơn 8,2 triệu dân, đóng góp hơn 16,5% cho GDP cả nước.

Ở Việt Nam chưa có quy định riêng biệt nào về mua sắm xanh (tiêu dùng xanh). Tuy nhiên, nhiều nội dung liên quan đến mua sắm xanh, mua sắm bền vững, thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn… được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản pháp quy.

Việc gắn nhãn sinh thái đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai từ năm 2010 với việc phê duyệt cho tiêu chí nhãn xanh Việt Nam cho 3 nhóm sản phẩm: Bột giặt, Bóng đèn huỳnh quang và bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng hóa khi mua sắm. Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và ban hành tiêu chí chứng nhận nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm ắc quy, các sản phẩm máy tính xách tay, máy in, mực in.

Năm 2014 là nhóm sản phẩm máy tính để bàn, mực in cho máy photocopy, pin tiêu chuẩn. Năm 2015 áp dụng tiêu chí dán nhãn xanh Việt Nam cho nhóm sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, tivi… Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quy định cụ thể trong Thông tư số 07/2012/TT-BCT về dán nhãn năng lượng chi các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng…

Thúc đẩy tiêu dùng xanh của các hộ gia đình Việt Nam hiện nay - Ảnh 1

Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng vẫn “tiện đâu mua đấy”. Hiện tượng chợ cóc, hàng quán vỉa hè còn khá phổ biến. Trừ một số ít tỷ lệ nhóm người tiêu dùng có mức chi tiêu cao thường lựa chọn nơi mua bán tuy nhiên họ vẫn chưa có mục tiêu tiêu dùng đúng đắn.

Theo định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, “mô hình tiêu dùng của dân cư đang diễn biến theo truyền thông của các quốc gia phát triển, tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, năng lượng và thải ra nhiều chất thải độc hại”. Qua đó, có thể thấy, tuy Nhà nước đã bước đầu cụ thể hóa chiến lược về tiêu dùng xanh nhưng tiêu dùng hiện tại của người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn chưa “xanh”.

Nhận thức của hộ gia đình về vấn đề môi trường

Nhận thức của người dân về môi trường và các vấn đề liên quan đến môi trường có liên hệ mật thiết đến hành vi tiêu dùng của họ, hướng đến tiêu dùng xanh. Nhận thức đúng đắn về các vấn đề môi trường sẽ hướng người dân có hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Theo kết quả điều tra của nhóm tác giả, trong số 120 người trả lời thuộc nhóm hộ gia đình, có thể thấy rằng, đa số người dân cho rằng, sản phẩm xanh là sản phẩm tiết kiệm năng lượng với 29,17% người được khảo sát lựa chọn, thêm vào đó có ít người cho rằng nó là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu có khả năng phục hồi với 9,17%, 4,17% người có cách hiểu khác.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 120 người được hỏi có 30% cho rằng, tiêu dùng xanh là tiêu dùng tiết kiệm năng lượng do nhận thức về sản phẩm xanh (chiếm tỷ lệ cao nhất), 15% người cho rằng tiêu dùng xanh là tái chế, 10,83% người cho rằng, tiêu dùng xanh là phân loại rác (chiếm tỷ lệ thấp nhất). Như vậy, có thể thấy hầu hết các hộ gia đình đều đã nghe đến sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh. Hiểu biết chung về nguyên nhân gây ra sự nóng lên của trái đất, về sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh của nhóm hộ gia đình cũng tương đối đầy đủ.

Về sử dụng năng lượng của hộ gia đình

Nghiên cứu tập trung vào hành vi sử dụng năng lượng của người dân, cụ thể là năng lượng điện, mức độ tiêu thụ năng lượng của người dân có tác động đến môi trường. Trước tiên là các nguồn năng lượng được người dân sử dụng trong sinh hoạt, trong đó bao gồm năng lượng tái tạo, một dạng năng lượng thân thiện môi trường. Tiếp theo, nghiên cứu xem xét hành vi và ý thức tiết kiệm điện của người dân.

Cụ thể hơn, hành vi sử dụng bóng đèn sợi đốt, một thiết bị tiêu hao nhiều điện năng. Xu hướng tiêu dùng điện năng và các nguyên nhân của xu hướng này cũng được xem xét. Cuối cùng là việc tổng hợp ý kiến của người dân về mức độ quan trọng của các giải pháp khuyến khích tiết kiệm điện năng của chính quyền địa phương. Việc tìm hiểu các nguồn năng lượng được sử dụng trong sinh hoạt thường nhật sẽ giúp đánh giá mức độ tiếp cận các nguồn năng lượng mới như điện lưới và năng lượng tái tạo.

Theo điều tra, tất cả người dân trong cuộc khảo sát đều sử dụng năng lượng điện lưới, thể hiện một điểm tích cực trong việc tiếp cận nguồn năng lượng tiên tiến này. Một điểm tích cực khác là tỷ lệ người dân sử dụng các nguồn năng lượng có hiệu suất thấp như điện ắc quy, máy nổ, dầu hỏa, than đá, than củi là rất nhỏ.

Để hành vi sử dụng năng lượng thực sự hướng đến môi trường, quan trọng hơn cả là việc sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, nước nóng từ năng lượng mặt trời…), kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng năng lượng tái tạo còn thấp (khoảng 16%). Tỷ lệ người dân sử dụng khí ga là 95,83%, trong khi tỷ lệ người dân sử dụng củi gỗ khoảng 10%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết lý do của các trường hợp lựa chọn năng lượng tái tạo là tiết kiệm chi phí. Đây là một điểm cần lưu ý, vì tiết kiệm chi phí là động cơ hữu hiệu thúc đẩy người dân tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo-một dạng năng lượng liên quan đến tiêu dùng xanh

Về sử dụng nước của hộ gia đình

Hành vi sử dụng nước của các hộ gia đình tại TP. Hà Nội cũng được xem xét dưới góc độ ảnh hưởng của nó đến môi trường. Để đánh giá tình trạng tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, nghiên cứu này tìm hiểu xem những loại nguồn nước nào được người dân sử dụng trong việc ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.

Thúc đẩy tiêu dùng xanh của các hộ gia đình Việt Nam hiện nay - Ảnh 2

Đa số người dân có ý thức tiết kiệm nước nhưng vẫn còn 2 hành vi đáng đề cập trong hành vi tiết kiệm nước, gồm: Người dân không quan tâm, kiểm tra thường xuyên ống nước để chống rò rỉ; Người dân không thực sự tận dụng triệt để nguồn tài nguyên nước vốn đã rất hạn chế. Những hành vi tiêu cực này sẽ gây ra một lượng lớn nước sinh hoạt.

Hình 2 nêu ra một số hành vi tiết kiệm nước của hộ gia đình. Theo đó, để đối phó với tình cảnh này, có khá nhiều phương án được đưa ra như: tiết kiệm, mua nước, sử dụng các nguồn không vệ sinh thì đa số người dân đều không có giải pháp nào thiết thực hơn ngoài việc sử dụng nước 1 cách tiết kiệm (xấp xỉ 95%).

Về xử lý chất thải sinh hoạt của hộ gia đình

Theo Hình 3, tỷ lệ hộ gia đình tỷ lệ số hộ gia đình có tham gia dịch vụ thu gom rác tận nhà chiếm 92%, số còn lại (8%) các hộ gia đình tại khu vực nghiên cứu xử lý rác thải sinh hoạt theo kiểu tự phát.

Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh của các hộ gia đình tại TP. Hà Nội

Nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng xanh tại Việt Nam nói chung và tại TP. Hà Nội nói riêng, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường.

Chính quyền địa phương cần tích cực truyền thông nhằm giúp người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, ô nhiễm chất thải và tiếng ồn.

Bảng 1: Thực trạng hành vi tiết kiệm nước

Tiêu chí

Không bao giờ

Thỉnh thoảng

Thường xuyên

Luôn luôn

Không biết/ không có ý kiến

Sử dụng nước vo gạo, rửa rau để tưới cây

35.08

23.4

44.07

11.25

14.89

Kiểm tra, thay thế vòi nước, ống nước bị rò rỉ nước

6.38

23.4

44.07

11.25

14.89

Khóa vòi nước trong khi đang đánh răng

7.01

6.1

30.18

35.06

21.65

Trữ nước mưa để phục vụ sinh hoạt, vệ sinh,trồng cây,…

13.37

20.97

25.53

38.3

1.82

Chờ quần áo đầy máy giặt mới giặt

0.3

8.51

58.97

31.61

0.61

 

Trong khi đó, việc mua sắm xanh, tiêu dùng xanh có những lợi ích như nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn. Mua sắm xanh thúc đẩy quá trình tái chế các chất thải, từ việc thu gom, phân loại cho tới sản xuất và phát triển thị trường sử dụng các sản phẩm tái chế, vì thế không chỉ làm người tiêu dùng tiết kiệm được kinh phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Đồng thời, phát triển mua sắm xanh sẽ kích thích tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ, TP. Hà Nội cần dung hòa được các giải pháp như nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, đặc biệt chú ý đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần vận động các doanh nghiệp cam kết thực hiện bảo vệ môi trường và cho ra thị trường những sản phẩm xanh, sạch an toàn, chất lượng.

Thứ hai, giải pháp về hành vi sử dụng năng lượng.

Chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các nguồn năng lượng có hại cho môi trường như củi gỗ, than tổ ong... đặc biệt là hạn chế việc đốt rác, đốt rơm rạ tại các khu dân cư, cánh đồng sau khi thu hoạch sẽ gây ra khói bụi và có hại cho sức khỏe của người dân khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, cần vận động, khuyến khích những người có thu nhập cao nghiên cứu, ứng dụng nguồn năng lượng này trong tương lai, vừa tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, vừa thúc đẩy tiêu dùng xanh cho thủ đô.

Thúc đẩy tiêu dùng xanh của các hộ gia đình Việt Nam hiện nay - Ảnh 3

Tăng cường truyền thông, vận động người dân nhằm nâng cao nhận thức: Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm và thu được một số thành quả khả quan góp phần nâng cao nhận thức của mọi người.

Hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đã đa dạng hơn; nguồn lực đầu tư cho hoạt động nêu trên được tăng cường; sự phối hợp giữa địa phương và trung ương trong đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác trong lĩnh vực môi trường ngày càng chặt chẽ.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực làm công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế: về số lượng và về kỹ năng truyền thông nên hiệu quả truyền thông còn hạn chế, kết quả chưa đạt được như mong muốn; triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường chưa thường xuyên, mới tập trung vào các dịp có ngày về môi trường; chưa chú ý đến chiều sâu, hình thức tuyên truyền chưa phong phú...

Giới thiệu các sản phẩm tiết kiệm năng lượng mới và hướng dẫn người dân chọn mua các thiết bị điện ít tiêu hao năng lượng với giá phù hợp để người dân sử dụng thay thế cho các thiết bị điện đang sử dụng như đèn compact thay cho bóng đèn sợ đốt, các thiết bị tự động hóa ngắt điện.

- Khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các nguồn tài nguyên có cạn kiệt bằng các nguồn tài nguyên, năng lượng mới, có thể tái tạo.

-  Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; đổi mới công nghệ và loại bỏ theo lộ trình các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường

- Lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện: Bởi các thiết bị điện, thế hệ càng mới khả năng tiết kiệm điện càng cao. Điều chỉnh thói quen sử dụng đồ điện theo hướng tiết kiệm trong gia đình.

Thứ ba, giải pháp điều chỉnh hành vi sử dụng nước.

Tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng nước một cách tiết kiệm nhất, hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè, và cung cấp thông tin về tác hại của việc lãng phí nước đối với môi trường. Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng lại không vô tận, chính vì thế tiết kiệm nước là rất cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Ngoài việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm nước còn giúp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm, ngăn ngừa ô nhiễm nước ở các lưu vực.

Thứ tư, giải pháp, chính sách nhằm điều chỉnh hành vi xử lí chất thải trong sinh hoạt.

Nhà nước cần hỗ trợ bằng cách khuyến khích và trợ giá cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác thải tập trung; xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lí, tái chế chất thải hoàn chỉnh, trong đó, cần đầu tư bãi rác tập trung đạt yêu cầu để hoạt động thu gom ổn định, lâu dài.

Chú trọng bố trí các điểm tập kết rác hợp lí trong khu dân cư và xây dựng hệ thống hạ tầng để xe thu gom rác có thể di chuyển đến điểm cần thu gom. Đồng thời, có những giải pháp trợ giá hoặc cung cấp miễn phí các loại túi gió, túi giấy, túi có thể dùng nhiều lần nhằm hạn chế tình trạng sử dụng túi nilon một cách tràn lan như hiện tại. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ cả về  kỹ thuật lẫn kinh phí giúp người dân xử lý nước thải đúng cách.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020;
  2. Bộ Công Thương (2012), Thông tư số 07/2012/TT-BCT về dán nhãn năng lượng chi các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng…
  3. Phạm Thanh Bình (2016), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển, Tạp chí Tài chính;
  4. Một số website: chinhphu.vn, monre.gov.vn...