Xuất khẩu sang Canada: Bứt phá nhờ CPTPP

Theo Thùy Dương/congthuong.vn

Kết nối thương mại giữa Việt Nam - Canada ngày càng được tăng cường thông qua việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng trưởng mạnh.

Ngành dệt may tận dụng tốt quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang Canada. Nguồn: Internet
Ngành dệt may tận dụng tốt quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang Canada. Nguồn: Internet

Xuất khẩu nông - thủy sản tăng

Theo ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), ngoài thị trường lớn với 37 triệu dân, Canada còn có 250.000 người gốc Việt Nam, đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm cũng như các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam tiếp cận trong thời gian tới.

“Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Vì vậy, đây là cơ hội cho hoa quả tươi xuất khẩu, nếu khắc phục được hạn chế do bảo quản và vận chuyển xa. Về thủy sản, tôm đông lạnh cũng có chỗ đứng khá vững trên thị trường Canada và DN có thể khai thác một số mặt hàng chất lượng cao như cá ngừ, mực, bạch tuộc…” - ông Bùi Tuấn Hoàn cho biết.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài cá ngừ, cá ba sa đang có lợi thế tại Canada, mặt hàng tôm của Việt Nam cũng đang chiếm 1/3 thị phần nước này. Tính chung 3 tháng đầu năm, thủy sản các loại xuất khẩu sang Canada đạt khoảng 48 triệu USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy thị trường này có nhu cầu ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, DN cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng các yếu tố về giá, mẫu mã, chất lượng để nâng tính cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường Canada.

Tương tự, với mặt hàng gỗ, Việt Nam - Canada có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Trong đó, Việt Nam có thể nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Canada và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ra nước ngoài. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, ngành này sẽ tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Canada để tận dụng lợi thế về thuế và nguồn gốc xuất xứ. Sau đó, xuất khẩu lại những sản phẩm nội thất mà thị trường Canada có nhu cầu.

Tận dụng triệt để quy tắc xuất xứ

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Canada đã tăng gấp 3 lần, từ 1,14 tỷ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018; trong đó, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada. Năm 2018, giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỷ USD. 2 tháng đầu năm, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu sang Canada, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các DN phải tận dụng triệt để quy tắc xuất xứ. Bộ Công Thương đã có những thông tư hướng dẫn cụ thể để DN thực hiện. Theo đó, Thông tư về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP, từ ngày 8/3 đến nay, đã có 415 bộ C/O được cấp cho hàng xuất khẩu sang thị trường Canada - dẫn đầu trong các nước CPTPP.“Hiện nay, da giày và dệt may đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang Canada. Đây cũng là hai mặt hàng được giảm thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực” - đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Ông Alex George - Tham tán thương mại cấp cao của Canada tại TP. Hồ Chí Minh: Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại ASEAN. CPTPP sẽ giúp DN hai nước dễ dàng tiếp cận, hợp tác đầu tư.