Xuất khẩu trăn trở với bài toán giá trị gia tăng

Theo Khanh Đoàn/thoibaonganhang.vn

Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đạt 21,1%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngành dệt may đã khép lại năm 2017 với nhiều thành công: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,9 tỷ USD, cùng với đó xuất siêu đạt 16 tỷ USD, thuộc nhóm cao nhất trong số các nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sự thành công của ngành này còn thể hiện ở giá trị gia tăng xuất khẩu đang tiếp tục được nâng lên, hứa hẹn các DN trong ngành sẽ sớm thoát cảnh “đạp máy khâu” và dần vươn lên trong chuỗi giá trị.

Từ điểm sáng 2017

Cùng với dệt may, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng đã đi qua năm 2017 với nhiều thành công ngoài mong đợi, góp phần lớn vào sự bứt tốc của cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đặc biệt ấn tượng về sự tăng tốc mạnh mẽ của xuất khẩu thể hiện qua những con số. Ông Lâm cho biết, trong năm qua lần đầu tiên cả nước có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, 21 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng 5 nhóm hàng lớn (gồm điện thoại và linh kiện; dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng) đã đóng góp tới 124,33 tỷ USD, tương đương gần 58,2% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Bên cạnh đó là rất nhiều kỷ lục khác mà xuất khẩu hàng hoá lần đầu tiên cán mốc trong năm 2017. Đó là tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 400 tỷ USD; có 5 tháng liên tiếp kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đạt trên 19 tỷ USD… “Đây là những điểm sáng để chúng ta có xuất siêu hàng hoá trong năm 2017”, ông Lâm nhấn mạnh.

Nhờ vào sự bứt tốc của hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tính chung cả năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Cần nhắc lại rằng, trước đó mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá được đặt ra chỉ là 7-8%, do trong 2 năm 2015-2016, xuất khẩu hàng hoá gặp nhiều khó khăn thể hiện ở mức tăng trưởng so với năm trước chỉ đạt lần lượt là 7,9% và 9%. So sánh với bối cảnh của 2 năm liền kề, càng thấy rằng tốc độ tăng trưởng 21,1% của xuất khẩu năm nay thực sự là kỳ tích.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm cũng bổ sung, không phải ngẫu nhiên mà các DN xuất khẩu tạo ra kỳ tích trong năm vừa qua. Đó là nhờ các thành quả gặt hái được từ hội nhập, thể hiện sự nỗ lực của các DN, cũng như các bộ, ngành rất năng động trong việc tìm kiếm thị trường để xuất khẩu hàng tiêu dùng sản xuất trong nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm vừa qua Chính phủ đã đàm phán thành công và mở thêm thị trường mới cho hàng nông sản.

“Đơn cử như sản phẩm thanh long năm vừa qua được mùa, nhưng đồng thời DN cũng tìm được đầu ra nhờ ký hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài, gần đây là xoài và sắp tới là vú sữa. Đây là nỗ lực rất lớn của xuất khẩu năm nay”, ông Lâm chỉ rõ.

Đối với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang cũng vui mừng cho biết, nhiều DN trong ngành đã chuyển từ việc gia công hoàn toàn sang hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu) và ODM (tự thiết kế mẫu), nâng tỷ lệ từ 3% của năm 2016 lên mức 7% của năm 2017. Với đà này, dự kiến tỷ lệ sản xuất theo hình thức mới của DN Việt Nam cho mặt hàng dệt may sẽ sớm nâng lên 11%. Bên cạnh đó, hiện các DN trong ngành đã có đơn hàng cho quý I và quý II/2018, cho thấy tín hiệu lạc quan cho ngành này trong năm tới. Các đối tác nhập khẩu ngày càng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng của DN trong nước.

Nhìn lại nội lực để đi đường dài

Nhìn tổng thể, bức tranh xuất khẩu hàng hoá có thể coi là điểm sáng nổi bật nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng thành tích của xuất khẩu vẫn đang thuộc về khối DN FDI, trong khi nội lực của DN trong nước vẫn chưa được cải thiện đáng kể để đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê dẫn chứng, sản xuất trong nước vẫn còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu bên ngoài. Điều này thể hiện trong con số 211 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trong năm 2017, có đến 91,4% là nhập khẩu tư liệu sản xuất, tăng 0,2% so với năm 2016; và nhập khẩu tiêu dùng chỉ còn 8,6%.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, năm 2017 Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của nước ta với 31,8 tỷ USD, tăng 53,4% so với năm 2016 chủ yếu do trong năm Tập đoàn Samsung mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và linh kiện phục vụ gia công lắp ráp tăng cao.

“Chúng ta thấy rằng nền kinh tế tăng trưởng và có độ mở rất lớn. Năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 400 tỷ USD, thể hiện tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu và nguyên vật liệu bên ngoài, đặt ra bài toán cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các bộ ngành, địa phương phải chú trọng tới các giải pháp thúc đẩy nội lực của nền sản xuất trong nước”, ông Tiến khuyến nghị.

Một vấn đề khác được ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý, đó là nhập siêu dịch vụ trong năm qua đạt 3,9 tỷ USD, vẫn cao hơn xuất siêu hàng hoá đạt 2,7 tỷ USD, vì vậy tổng thể cán cân thương mại vẫn nghiêng về phía nhập siêu với mức 1,2 tỷ USD, làm giảm tốc độ tăng của GDP. Ông Lâm cho biết thêm, nhập siêu dịch vụ dù có xu hướng giảm trong năm 2017 nhưng vẫn ở mức cao và cải thiện chậm chạp. Vì vậy, thời gian tới Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào các hoạt động dịch vụ như giao thông vận tải, bảo hiểm, logistics… để hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hoá. Như vậy, các thành quả của sản xuất trong nước mới thực sự tạo lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế.