Ngọt như cổ phiếu đường
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (12/11), cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp mía đường đạt mức giá cao nhất trong năm. Nguyên nhân chủ yếu là giá đường thế giới tăng mạnh, dù triển vọng ngành đường trong nước không thực sự khả quan.
Giá đường thế giới tăng cao
Chỉ số giá đường giao dịch trên sàn New York (DJ Sugar Index) đã tăng liên tục từ 138 điểm ngày 25/8 và đạt đỉnh 205,65 điểm ngày 4/11, đạt mức tăng 49% sau gần 3 tháng. Giá đường thô tương lai (tháng 3/2016) cũng tăng vọt từ mức 11,5 UScent/lb vào ngày 23/9 lên đỉnh 15,5 cent/lb ngày 4/11 (tăng 34,7%), hiện đang đứng ở mức 14,69 cent/lb (tăng 27,7% trong 2 tháng).
Giá đường thế giới tăng vọt sau thông tin Brazil - quốc gia có sản lượng đường và là nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới chuyển hướng dùng 59,4% sản lượng mía đường được dùng để sản xuất ethanol, thay vì sản xuất đường. Thêm vào đó, thời tiết bất lợi cản trở thu hoạch khiến tổng sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2015 - 2016 dự báo giảm 1 triệu tấn, xuống còn 35 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hạ mức sản lượng đường và cắt giảm dự báo xuất khẩu của Brazil xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Tổ chức FCStone đã đưa ra dự báo, mức thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2015 - 2016 là 3,8 triệu tấn. Tổ chức này ước tính, sản lượng đường toàn cầu niên vụ này là 180,5 triệu tấn, thấp hơn 0,8% so với niên vụ 2014 - 2015.
Trong nước, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến giữa tháng 9/2015, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 158.300 tấn, giảm 121.700 tấn so với cùng kỳ năm trước. Giá thu mua mía đang tăng trở lại, đạt 1.055 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg (+10%) so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích mía niên vụ 2015 - 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 41.880 héc-ta, giảm hơn 6.000 héc-ta so với vụ trước. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trên thực tế, diện tích mía giảm nhiều hơn con số trên do trong niên độ trước, giá mía giảm mạnh nên nhiều hộ nông dân đã chặt bỏ mía.
Mặc dù vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ sản xuất 2015 - 2016, các nhà máy ép mía dự kiến đạt 1,56 triệu tấn đường, trong đó đường luyện là 750.000 tấn. Nguồn cung đạt 1,881 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,6 triệu tấn, cung vượt cầu khoảng 281.000 tấn. Đó là chưa kể lượng đường sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập về Việt Nam với thuế suất 2,5%.
Nhiều cổ phiếu đạt đỉnh năm 2015
Tại ngày 12/11, nhiều cổ phiếu mía đường đạt mức giá cao nhất trong năm. Trong số 7 doanh nghiệp sản xuất mía đường niêm yết, 2 cổ phiếu BHS của Đường Biên Hòa (giá 19.100 đồng/CP) và SLS của Mía Đường Sơn La (giá 50.500 đồng/CP) đã tăng giá gấp đôi sau 6 tháng (so với ngày 12/5/2014).
Tương tự, cổ phiếu SBT của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh tăng 65%, từ 10.300 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP; cổ phiếu KTS của Đường Kontum tăng 16%, từ 15.300 đồng/CP lên 17.800 đồng/CP; cổ phiếu LSS của Đường Lam Sơn tăng 6%. Riêng hai cổ phiếu S33 của Mía đường 33 và cổ phiếu HNG của HAGL Agrico giảm lần lượt 8% và 9%.
LSS đã công bố kết quả kinh doanh quý I niên độ tài chính 2015 - 2016 (1/7/2015 - 30/9/2016), với doanh thu đạt 348,7 tỷ đồng, giảm 7%, nhưng lợi nhuận đạt 13,85 tỷ đồng, tăng 30% so với so với cùng kỳ niên độ tài chính trước; hàng tồn kho giảm mạnh từ mức 454 tỷ đồng đầu tháng 7/2015 xuống 260 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2015.
SLS công bố lợi nhuận quý III/2015 đạt 24,7 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước; 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 520 tỷ đồng, tăng 50%, lợi nhuận đạt 72,93 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, chỉ số EPS 9 tháng đạt 10.726 đồng. Hàng tồn kho cuối quý III/2015 giảm 1/3 so với đầu năm, xuống 25,55 tỷ đồng.
KTS công bố lỗ 2,2 tỷ đồng trong quý III/2015, nhưng 9 tháng vẫn lãi 12,44 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 3,3 tỷ đồng), EPS 9 tháng đạt 2.454 đồng.
SBT và BHS chưa công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên của niên độ tài chính mới (tức quý III/2015), nhưng trong niên độ tài chính 2014 - 2015 (từ 1/7/2014 - 30/6/2015), sản lượng sản xuất của SBT đạt hơn 140.000 tấn, vượt 16% kế hoạch; đường thô nguyên liệu đạt sản lượng hơn 63.300 tấn, vượt 64% kế hoạch; sản lượng đường tiêu thụ đạt 133.890 tấn, vượt 7% kế hoạch; doanh thu thuần đạt 2.066 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 188,97 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ niên độ trước.
Theo Tổ chức Đường Thế giới (ISO), thặng dư đường trong các năm tới sẽ giảm (thặng dư đường niên vụ 2013 - 2014 khoảng 6 triệu tấn, niên vụ 2012 - 2013 là 8,5 triệu tấn) do hiện tượng Elnino có thể kéo theo sự sụt giảm sản lượng mía và xu hướng gia tăng sản xuất ethanol từ mía. Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục giảm dẫn đến sản xuất ethanol không còn hấp dẫn, có thể khiến giá đường chững lại.
Tại Việt Nam, do giá thành sản xuất cao nên khả năng cạnh tranh của ngành đường trong nước nhiều khả năng sẽ giảm khi các hàng rào bảo hộ hết hiệu lực theo quy định trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù vậy, đường được xếp vào nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10 và 11 nên hiện tại, nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ cổ phiếu đường.