Người dân lo ngại dịch COVID-19: Thương mại trực tuyến "lên ngôi"
Trước nỗi lo COVID-19, người dân tìm đến những cách thức mua sắm phi truyền thống như đặt hàng trên mạng, gọi điện trực tiếp tới cửa hàng để được phục vụ, gọi người nhờ mua hàng trực tiếp.
Trước nỗi lo lây lan dịch COVID-19, nhiều người dân hạn chế ra đường, đến những nơi đông người, thì việc mua sắm trực tiếp cũng có xu hướng thu hẹp. Thay vào đó, người dân tìm đến những cách thức mua sắm phi truyền thống như đặt hàng trên mạng, gọi điện trực tiếp tới cửa hàng để được phục vụ, gọi người nhờ mua hàng trực tiếp tại cửa hàng và siêu thị.
Thực tế, tư duy mua sắm của người dân đang có những chuyển biến theo hướng tích cực, không chỉ đem lại sự thuận tiện, văn minh, minh bạch thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển của toàn cầu, mà còn tạo động lực thúc đẩy cho các loại hình dịch vụ mới có liên quan về tài chính, giao nhận vận chuyển, trao đổi thương mại của các nhà phân phối, các nhà cung cấp nền tảng công nghệ…phát triển.
Anh La Văn Nguyên, đại diện Cửa hàng Thịt Meat Deli khu vực Ngọc Hà cho biết, so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, giao dịch mua hàng hiện nay tăng gấp nhiều lần, lượng hàng nhập mới và được tiếp phẩm liên tục trong ngày và xu hướng khách mua qua mạng, đặt hàng qua điện thoại tăng cao, thậm chí cao hơn so với giao dịch mua trực tiếp tại cửa hàng. Giá thực phẩm vẫn được giữ ổn định do cơ sở đã có sự chuẩn bị tốt về nguồn hàng.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh việc đảm bảo chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn với mặt hàng thịt lợn và giữ giá cả ổn định là điều tối quan trọng, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và quan điểm sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và toàn dân trong nỗ lực chống dịch.
Là cư dân lớn tuổi và việc tiếp cận công nghệ mới còn nhiều hạn chế, nhưng bà Nguyễn Thị Thảo, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, những ngày gần đây, quanh khu tập thể cư trú, người dân đã tự hướng dẫn nhau cách thức đi chợ sao cho thuận tiện, dễ dàng và hạn chế tối đa việc di chuyển khi nguy cơ dịch bệnh lây lan đang có nhiều rủi ro.
“Mọi người tự lên mạng tìm hiểu hoặc chia sẻ cho nhau các số điện thoại, đường dây nóng của tổng đài ở các cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Vinmart+ hay Hapro… Rồi chỉ việc gọi điện đặt hàng trong tích tắc là chỉ sau ít giờ, chúng tôi đã có thể nhận được gạo, dầu ăn, mỳ tôm, thực phẩm tươi ngon, kể cả rau củ và trái cây… thế là có thể an tâm ngồi nhà hàng tuần không cần lo nghĩ!” bà Thảo cho biết.
Chị Nguyễn Kim Huệ, Nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho hay, việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử ngày càng dễ dàng và thuận tiện khi mua sắm, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như thế này. “Với các ứng dụng trực tuyến như Momo, Airpay, VNpay… chỉ cần ngồi nhà là có thể đặt hàng từ đồ uống đến bữa ăn trưa mà không phải ra đường. Việc giao hàng cũng nhanh chóng và tiện ích, nhất là với các dịch vụ giao tại nhà, giao gần trong 15 phút hay giao đồng giá của các công ty như Ahamove, Lalamove, Grab...
Hiện nay, để tạo điều kiện cho người dân, các hãng dịch vụ cũng tăng cường nhân lực và triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cước để khuyến khích việc mua hàng, bán hàng. Qua đó, tăng cường lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân.
“Thậm chí, mua vỉ thuốc uống, lẵng hoa sinh nhật hay túi thức ăn cho thú cưng…. tôi cũng không cần phải ra đường nữa. Mọi nhu cầu cơ bản chỉ cần cập nhật và đặt hàng qua các ứng dụng như Now, Foody hay Sendo và Lazada… là đều có thể được cung cấp tại nhà, được giao tận cửa cơ quan và với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt như trực tiếp hay trả qua thẻ, trả qua các công ty tài chính. Điều này càng có ý nghĩa và phát huy hiệu quả tích cực hơn khi người dân lo ngại ra đường sẽ đối diện với nguy cơ dịch COVID-19,” chi Huệ cho hay.
Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, theo báo cáo sơ bộ từ một số siêu thị trên địa bàn Thủ đô trong những ngày diễn biến dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 25%-30% và tập trung ở một số nhóm hàng thiết yếu như thức ăn nhanh, mỳ ăn liền, sữa, bánh phở hay thực phẩm chế biến như thịt nguội, giò.
Đặc biệt, nhóm hàng do các siêu thị tự làm hoặc đặt hàng nhà cung cấp sản xuất cũng được mua với số lượng tăng cao hơn bình thường từ 5-7% do giá cả rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng “chắt bóp” chi tiêu để phòng dịch.
Bình quân giá trị các hóa đơn mua hàng cũng tăng từ 50-70% tùy từng siêu thị, do khách hàng có tâm lý tích trữ sẵn cho nhiều ngày thay vì ngày nào cũng đi chợ như trước đây. Phương thức thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử cũng ngày càng linh hoạt hơn tạo sự thuận tiện và gia tăng niềm tin tưởng đối với khách hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Phú, một số vấn đề trong thương mại điện tử tại Việt Nam cũng cần phải thay đổi và cải thiện hơn nữa để gia tăng sự tín nhiệm của khách hàng. Đó là tốc độ giao hàng cần nhanh hơn; hậu cần phục vụ phải chu đáo, cẩn thận và thiện chí hơn, nâng cao hơn trình độ sử dụng công nghệ của các nhân viên siêu thị khi thanh toán điện tử giúp khách hàng. Đặc biệt, chất lượng hay mẫu mã hàng hóa khi được giao thực tế phải đúng chuẩn và tương tự sản phẩm được quảng cáo trên mạng.
Bởi hiện nay, với hình thức mua hàng trực tuyến thì có 80% giao dịch là kiểm tra hàng trước rồi mới thanh toán sau. Như vậy chứng tỏ, người mua còn dè dặt, thận trọng và thiếu tin tưởng. Điều này cũng sẽ là rào cản khiến thương mại điện tử khó phát triển cũng như kéo theo các dịch vụ liên quan khác.